XÂY DỰNG HỒ SƠ LÔ RỪNG PHỤC VỤ CHO CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG VÀ QUẢN LÝ RỪNG Ở BÌNH PHƯỚC

Thứ hai - 16/11/2015 02:58
Trong lâm nghiệp, tài nguyên đất được quản lý theo hệ thống đơn vị tiểu khu, khoảnh, lô. Mỗi lô có diện tích bình quân khoảng 15 ha. Mỗi khoảnh có khảng 10 lô. Mỗi lô rừng không những đồng nhất một trạng thái rừng theo hệ thống phân loại rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn đồng nhất về các yếu tố lập địa, như: loại đất, độ dày của đất, tỷ lệ đá lẫn, thành phần cơ giới, độ cao, độ dốc, nhiệt độ, lượng mưa, thảm thực bì. Chính sự đồng nhất về hiện trạng và các yếu tố lập địa mà lô rừng được chọn là đơn vị cơ bản để quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên đất lâm nghiệp (đất có rừng và không có rừng). Trong chi trả dịch vụ môi trường rừng, lô rừng cũng là đơn vị phân chia cuối cùng để xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đối tượng thụ hưởng. Để đáp ứng được yêu cầu chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh được chính xác, khách quan, công bằng, kịp thời thì mỗi lô rừng còn được xác định bổ sung thêm nhiều thông tin nưa, như: mã lô, địa phương, chủ rừng, phương thức quản lý bảo vệ, đối tượng giao khoán rừng, mức độ khó khăn trong bảo vệ rừng, nguồn gốc rừng, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, lưu vực, các hệ số K thành phần, hệ số K tích hợp, đơn vị sử dụng dịch vụ, tỷ lệ phí quản lý, hiệu quả bảo vệ rừng, giá chi trả bình quân, tiền chi trả, các giải pháp lâm học tác động vào rừng, khả năng cung ứng dịch vụ cho những năm tiếp theo. Kết quả thiết lập cơ sở dữ liệu chi trả DVMTR tỉnh Bình Phước, bước đầu đã xác định được 76 thông tin cho mỗi lô rừng. Và trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 5000 nghìn lô rừng.
Theo Nghị đinh số 23/2006/ND-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ, Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 25/2009/TT-BNN ngày 05/05/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phải xây dựng hồ sơ quản lý rừng cho mỗi lô rừng để phục vụ cho công tác quản lý rừng, trong đó có chi trả DVMTR. Hiện tại, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã lập hồ quản lý rừng rừng đối với những lô rừng thuộc diện giao khoán, những hồ này muốn sử dụng được trong cả chi trả dịch vụ môi trường rừng thì phải bổ sung thêm nhiều thông tin, đặc biệt là giá trị các hệ số K thành phần, lưu vực, đơn vị sử dụng dịch vụ. Diện tích rừng ngoài giao khoán ở các chủ rừng thì chưa có hồ sơ quản lý rừng đến lô rừng. Hệ thống hồ sơ quản lý rừng hiện có là hệ thống hồ sơ giấy, không thuận lợi khi cập nhật cũng như tra cứu và sử dụng, không đồng nhất, tốn kém kinh phí và thời gian để kết nối được hệ thống hồ sơ này với cơ sở dữ liệu chung trên toàn tỉnh. Để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý rừng, cũng như chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh theo những văn bản nêu trên, đồng thời khắc phục được những hạn chế hiện nay của hồ sơ quản lý rừng (hồ sơ giao khoán) dạng giấy thì cần phát triển module tự động hóa truy vấn cơ sở dữ liệu và xây dựng hồ sơ quản lý đến từng lô rừng theo yêu cầu của người sử dụng. Module này là một hợp phần của phần mềm tự động hóa chi trả dịch vụ môi trường rừng, nó có giao diện như Hình 01 với chức năng là: (1) Tạo nên một hệ thống hồ sơ lô rừng trên địa bàn tỉnh. Mỗi hồ sơ bao gồm bản đồ của lô rừng và hệ thống thông tin hiện có của lô rừng đó. Hệ thống thông tin này được sắp xếp theo nội dung của hồ sơ. (2) Truy xuất bất cứ hồ sơ lô rừng nào hiện có trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của người sử dụng. (3) Xuất hồ sơ mỗi lô rừng sang dạng word để thuận lợi cho việc hiệu chỉnh và in ấn. Giả sử chọn lô rừng có mã số là 30 và thực hiện các bước theo hướng dẫn sử dụng thì sẽ xuất hồ sơ lô rừng có mã số lô 30 như Hình 02. /uploads/news/2015_11/untitled2.png Hình 02: Xuất hồ sơ mỗi lô rừng dạng word Module này được biên dịch sang một ứng dụng nhỏ, cài đặt độc lập trên các máy tính cá nhân. Chỉ cần có cơ sở dữ liệu là bản đồ chi trả DVMTR hay bản đồ giao khoán rừng thì người sử dụng sẽ tạo lập được hệ thống hồ sơ quản lý lô rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ những nội dung nêu trên, hy vọng Module này sẽ được ứng dụng thực thế tại các đơn vị chủ rừng và cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp thu ý kiến từ thực tế để hoàn chỉnh hơn cho những phiên bản tiếp theo nhằm góp phần vào công tác quản lý tài nguyên rừng cũng như chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: TS. Trần Quốc Hoàn - PGĐ. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây