Công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Chủ nhật - 24/10/2021 21:27
Trước tình hình diễn biến phức tạp của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư trên địa bàn tỉnh và trong khu vực, thời gian qua tỉnh Bình Phước đã phải áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, theo đó đã ảnh hưởng, gây nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của ngành nông nghiệp nói chung và công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương chung của Đảng, nhà nước là vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn và các Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, nhất là đối với diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước có tổng diện tích rừng là 158.239,24 ha (rừng trồng: 102.370,80 ha; rừng tự nhiên: 55.868,44ha), trong đó diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng và được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 58.156,49 ha, do 15 đơn vị chủ rừng là các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp tư nhân được UBND tỉnh Bình Phước giao quản lý bảo vệ. Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện tăng cường công tác bảo vệ rừng, chủ động phối hợp các lực lượng phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát không để người dân, các đối tượng phá rừng xâm nhập trái phép vào rừng; tổ chức trực bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch hoặc tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất ở những khu vực trọng điểm, giáp ranh, có nguy cơ cao xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp; lập chốt đặt tại trong rừng và cửa rừng thường trực 24/24h, đặc biệt chú trọng các khu vực trọng điểm như: Khu Di tích Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết, khu vực giáp ranh giữa Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với lâm phần rừng tỉnh Đắk Nông, khu vực giáp ranh sông Đăk Huýt, khu vực giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, khu vực giáp ranh với nước bạn Campuchia, các đường tiểu ngạch tuyến biên giới trên địa bàn huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp và huyện Bù Gia Mập… Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp quản lý bảo vệ rừng từ cấp tỉnh đến cơ sở, công tác quản lý bảo vệ rừng 9 tháng năm 2021 đã đạt được kết quả cao, dự kiến thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm, như: (1) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật mới; trong 9 tháng phát thanh 270 lượt bản tin về công tác xử lý vi phạm hành chính; thực hiện 39 đợt tuyên truyền bảo vệ rừng lưu động; Lập 349 bản cam kết bảo vệ rừng...; (2) số vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2020 (xảy ra 46 vụ, giảm 47 vụ so với cùng kỳ); (3) Tỷ lệ che phủ của rừng và cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 75,14% (đạt 81% kế hoạch năm). Theo Kế hoạch thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 641/QĐ-UBND ngày 12/3/2021, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng các đơn vị chủ rừng được thụ hưởng là 29,046 triệu đồng, đơn giá chi trả cho 01 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng từ 455.415 đồng/ha – 600.000 đồng/ha. Tính đến hết tháng 9 năm 2021, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi tạm ứng cho các đơn vị chủ rừng là 8,367 triệu đồng. Việc thực hiện tạm ứng kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng cho các đơn vị chủ rừng đã góp phần quan trọng bổ sung nguồn lực để tổ chức tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán chủ động, tích cực trong tuần tra quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao khoán, qua đó giải quyết được việc làm và cải thiện đời sống cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư tại các địa phương có diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, nhất là các hộ gia đình, cộng đồng dân cư là người dân tộc thiểu số tại địa phương.Để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện có tại địa phương, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 và kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Thời gian tới Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ chủ động tạm ứng tiền DVMT rừng cho các đơn vị chủ rừng kịp thời theo đúng tiến độ, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị được chi trả DVMTR; tập trung tuyên truyền để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát huy tối đa vai trò là kênh huy động các nguồn lực xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần để diện tích rừng trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, giữ mãi màu xanh./.

Tác giả: Mộng Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây