Đánh giá hiệu quả sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và tác động điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng
Nguyễn Tiên Phong
2016-06-08T03:20:32-04:00
2016-06-08T03:20:32-04:00
https://qptr.binhphuoc.gov.vn/Ba-o-ve-Pha-t-trie-n-ru-ng/Da-nh-gia-hie-u-qua-su-du-ng-tie-n-di-ch-vu-moi-truo-ng-ru-ng-va-ta-c-do-ng-die-u-chi-nh-mu-c-chi-tra-di-ch-vu-moi-truo-ng-ru-ng-298.html
https://qptr.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2016_06/image002_1.jpg
QUỸ BẢO VỆ & PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://qptr.binhphuoc.gov.vn/uploads/banners/banner_qtbvr.png
Thứ tư - 08/06/2016 03:19
Chính thức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011, đến nay đã có hơn 40 tỉnh thành trong cả nước thực hiện. Chính sách này tạo nguồn thu mới, từng bước trở thành một nguồn tài chính ổn định hỗ trợ thêm chi phí duy trì hoạt động cho các chủ rừng trong bối cảnh rừng tự nhiên phải tạm dừng khai thác lâm sản.
Qua hơn 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng kết quả mang lại nhiều tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Với mức thu hàng năm trên cả nước từ chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng hơn 1.000 tỷ đồng/năm đã hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ gần 5,3 triệu ha rừng trong lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn giảm số vụ vi phạm lâm luật và dịện tích rừng trong cả nước như giai đoạn 2011-2015 giảm 64.500 vụ (giảm 32,9%), diện tích thiệt hại giảm 16.154 ha (giảm 58,2%). Đồng thời, góp phần bổ sung thêm thu nhập cho người dân làm nghề rừng, với mức thu nhập từ chi trả DVMTR bình quân khoảng 3,6 triệu đồng/hộ/năm. Giải quyết khó khăn về kinh phí cho 199 ban quản lý rừng, 84 công ty lâm nghiệp, 650 chủ rừng là tổ chức (nguồn: Dự thảo Báo cáo về hiệu quả sử dụng tiền chi trả DVMTR và tác động của việc điều chỉnh mức chi trả DVMTR của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016). Bên cạnh những con số đáng ghi nhận về mặt kinh tế, thực tiễn chi trả dịch vụ môi trường rừng cho thấy chính sách này đã khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập nên một nguồn lực tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần tạo nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi. Đồng thời, tác động đáng kể đến sắp xếp tổ chức và thể chế quản lý lâm nghiệp tại các địa phương. Theo đó, hệ thống tổ chức quản lý bảo vệ rừng dần hình thành nên cơ cấu, chức năng và mối quan hệ mới từ cấp tỉnh, huyện, xã và cộng đồng thôn bản nhằm đáp ứng cho quá trình thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên mức chi trả trên so với sự biến động của thị trường có ngày công của những người làm nghề rừng còn thấp, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 99/2010/NĐ-CP điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3 tăng làm thu từ hơn 1000 tỷ đồng/năm lên 1800 tỷ đồng/năm góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp với việc điều chỉnh này sẽ tăng thu nhập từ 3,6 triệu đồng/hộ/năm lên khoản 6,4 triệu đồng/hộ/năm cơ cấu tiền dịch vụ môi trường rừng bình quân trong tổng thu nhập của hộ gia đình tăng từ 8% lên tới 14% góp phần cải thiện sinh kế nghề rừng giảm tỷ lệ nghèo, làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng góp phần hoàn thiện, khắc phục một số tồn tại, hạn chế của Nghị định 99 của Chính phủ. Như vậy, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đạt được những tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội, tạo ra nguồn tài chính bền vững hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành Lâm nghiệp trong nền kinh tế, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng, tạo điều kiện quản lý bảo vệ rừng hiệu quả. Đồng thời, góp phần cải thiện sinh kế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống của người làm nghề rừng giữ ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Tác giả: Nguyễn Tiên Phong