Tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng
Thanh Thủy
2017-08-30T03:35:26-04:00
2017-08-30T03:35:26-04:00
https://qptr.binhphuoc.gov.vn/Ba-o-ve-Pha-t-trie-n-ru-ng/Tang-nguon-thu-dich-vu-moi-truong-rung-339.html
https://qptr.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2017_08/duong-tuan-tra-rung.jpg
QUỸ BẢO VỆ & PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://qptr.binhphuoc.gov.vn/uploads/banners/banner_qtbvr.png
Thứ tư - 30/08/2017 03:35
Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã thực hiện khá tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR); từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn.
Trong giai đoạn 5 năm 2012 - 2016, tiền DVMTR tổng thu trên 90 tỷ đồng bảo vệ hơn 51 nghìn ha rừng trên địa bàn tỉnh. Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững và có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao do khai thác các DVMTR, góp phần làm giảm đầu tư ngân sách nhà nước cho ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên mức thu theo Nghị định 99/NĐ-CP so với biến động thị trường còn khá thấp.Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ- CP (Nghị định 147) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99, đây là căn cứ quan trọng để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách trước đó. Đồng thời, việc tăng mức chi trả đối với các cơ sở thủy điện (từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh) và cơ sở sản xuất nước sạch (từ 40 đồng/m³ lên 52 đồng/m³), góp phần gia tăng nguồn thu tiền DVMTR. Qua đó, người dân làm nghề rừng, đặc biệt là những đồng bào dân tộc nghèo vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Với Nghị định 147, người dân sẽ được hưởng số tiền DVMTR nhiều hơn, điều kiện cuộc sống đảm bảo hơn và khích lệ họ đóng góp công sức bảo vệ rừng. Trong khi, thu nhập của các hộ gia đình từ DVMTR bình quân khoảng 2 triệu đồng/hộ/tháng là rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, tiền DVMTR đã góp phần hỗ trợ chủ rừng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng, các ban quản lý rừng đang gặp khó khăn về kinh phí và giúp người dân làm nghề rừng tăng thu nhập, nâng cao đời sống.Bên cạnh những nguồn thu chính từ thủy điện, nước sạch, du lịch, một số tỉnh Lào Cai, Cà Mau cũng đang tiến hành thí điểm những nguồn thu DVMTR mới như từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Từ những kết quả thí điểm quan trọng này, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định áp dụng rộng rãi trên cả nước, góp phần đa dạng hóa nguồn thu tiền DVMTR.Ngay sau khi Nghị định 147 được ban hành, Quỹ Bảo vệ và Phát triển tỉnh rừng đã tổ chức triển khai ký 6 phụ lục hợp đồng của 2 thủy điện và 3 đơn vị nước sạch đối với các đơn vị sử dụng lưu vực nội tỉnh. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai áp dụng mức chi trả DVMTR mới; đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ đã quy định đối tượng thu, mức thu; Đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thu nộp tiền DVMTR và các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định trên phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR; giải ngân tiền DVMTR kịp thời, đầy đủ đến các chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng, không để tồn đọng.