Hiệu quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Chủ nhật - 27/09/2020 22:57
Chính thức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2012, đến nay chính sách này đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, các đơn vị chủ rừng tích cực triển khai thực hiện, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 26 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, trong đó: 13 đơn vị sử dụng dịch vụ có lưu vực liên tỉnh, 13 đơn vị sử dụng dịch vụ có lưu vực nội tỉnh. Đối với các đơn vị có lưu vực nội tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Bình Phước đã ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với 3 nhà máy thủy điện, 4 nhà máy nước, 2 đơn vị kinh doanh du lịch và 4 đơn vị sản xuất công nghiệp, hiện nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đang tiếp tục tiến hành điều tra, rà soát các đơn vị sử dụng dịch vụ mới trên địa bàn tỉnh để thực hiện ký hợp đồng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tổng số tiền DVMTR mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thu trong 8 năm là trên 191 tỷ đồng hỗ trợ cho 16 đơn vị chủ rừng với diện tích trên 50.000 ha rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Công tác phân bổ, tạm ứng tiền DVMTR cho các đơn vị chủ rừng luôn được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo kịp thời, góp phần tạo điều kiện cho các chủ rừng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, khuyến khích các tổ chức, cộng đồng dân cư và các hộ gia đình tích cực trong việc nhận khoán, tham gia quản lý bảo vệ rừng. So với từ khi thành lập, định mức chi tiền dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng, theo đó khi mới triển khai thực hiện chính sách, định mức chi 200.000 đồng/ha nhưng đến nay mức chi tăng lên trên là 500.000 đồng/ha. Định mức chi ngày càng tăng do mức thu từ các đơn vị sử dụng DVMTR tăng lên như cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3. Nguồn kinh phí chi ngày càng tăng sẽ góp phần bổ sung thêm thu nhập cho người làm nghề rừng, đồng thời khuyến khích người dân nhận khoán tham gia quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng DVMTR. Có thể nói, việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng là tổ chức cũng như người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các đơn vị đã chủ động về nguồn tài chính hàng năm để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Tác giả: Thanh Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây