Trả nợ rừng xanh

Thứ hai - 07/09/2015 04:32
Tiếng bước chân sột soạt trên lá khô, những đôi mắt căng ra quan sát từng gốc cây, từng khoảng đất, săm soi từng dấu hiệu trong rừng... Đó là một phần trong công việc thường ngày của những thành viên trong các tổ nhận khoán rừng cộng đồng ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước). Nhưng, điều đặc biệt từ chính những thành viên bảo vệ rừng nơi đây, là họ đã tự viết nên câu chuyện của cuộc đời mình, bởi không ít người từng là "lâm tặc".
Rừng thiêng nước độc Chiều muộn, ánh sáng chỉ còn le lói ở đường chân trời. Điểu Mép và Điểu Ka Lôi chậm rãi bước, thỉnh thoảng đứng lại trên con đường mòn, quay người ngó vào rừng. Họ vừa tuần tra xong một tiểu khu rừng đang trở về chốt trực (chòi canh) để ăn cơm tối. Con đường mòn Điểu Mép và Ka Lôi vừa đi tuần có độ dốc khá lớn, từ chòi băng rừng vào khoảng nửa cây số là một di tích lịch sử đặc biệt: Điểm cuối hệ thống đường ống xăng dầu dài gần năm nghìn cây số, từ Lạng Sơn vượt dãy Trường Sơn vào Đông Nam Bộ. Đường ống này đã bảo đảm vững chắc việc cung cấp xăng dầu cho tuyến vận tải chiến lược và chiến trường miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tối ở rừng già đến rất nhanh, mới chừng 6 giờ chiều nhưng những chiếc đèn pin đã phải bật lên liên tục. Trong chòi, Điểu Hải, thành viên còn lại của chốt, đang lui cui nấu cơm. Bữa cơm tối dưới ánh đèn pin lờ mờ từ trần chòi chiếu xuống, chỉ có ba món là canh thụt (món ăn truyền thống của người S’tiêng), canh cải và cá kho. Bữa ăn mất chừng 15 phút, người lo dọn dẹp, người pha trà, người bật ra-đi-ô trên điện thoại di động để nghe tin tức… Đó là một phần nếp sinh hoạt thường ngày của các Tổ cộng đồng tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (VQGBGM) từ gần chục năm nay. Chốt trực nơi anh Điểu Mép làm chốt trưởng, dù chỉ cách VQGBGM khoảng sáu cây số đường rừng đất đỏ, nhưng rất tuềnh toàng. Chòi được dựng lên bằng cây lồ ô, lá mây... Ngay cả sạp để ngủ cũng làm bằng thân cây lồ ô. Ở chốt này, không có điện, nấu ăn bằng củi, thắp sáng bằng… đèn pin! Điểu Mép cho biết: Những đêm trời không mưa, hai thành viên sẽ mang ủng, giắt dao, cầm gậy đi tuần khoảng một cây số trên con đường đất đỏ trước chòi. Đây là con đường chính để tuần tra bảo vệ VQGBGM, là con đường lớn nhất xuyên tâm rừng từ Bù Gia Mập sang tỉnh Đác Nông. Mùa khô thì lo dọn dẹp cây cỏ khô, tìm những con suối, hốc nước rồi đánh dấu, làm đường mòn, để khi xảy ra cháy rừng biết chỗ lấy nước chữa cháy nhanh nhất… Cách VQGBGM hơn 50 cây số, là chốt Bù Du Nga của tổ cộng đồng thôn 3 (xã Đác Ơ). Từ bìa rừng, để đến được chốt, phải vượt quãng đường khoảng 40 cây số, qua hơn chục cây cầu, cống hộp. Dù là đường bê-tông rộng khoảng 3,5 m nhưng khá trơn, rong rêu bám kín, chung quanh cây cối um tùm. Chốt này sử dụng “ké” nguồn điện mặt trời của trạm kiểm lâm gần đó để thắp sáng và không có sóng điện thoại; còn nước sạch, lấy từ con suối trên rừng, dẫn về bằng ống nhựa. Chốt trưởng Điểu Phong cho biết, mùa mưa còn đỡ, chứ vào mùa khô, con suối cạn trơ, anh em phải xách can nhựa đi bộ khoảng 100 m, lấy nước đục ngầu, đỏ quạnh ở một hốc núi... Trước ánh mắt tò mò của tôi về những chấm hồng trên cánh tay, Điểu Tôm (thành viên nhỏ nhất, 22 tuổi) tếu táo: Không phải nốt ruồi son đâu, do bị vắt hút máu đó... Với đồng bào S’tiêng tham gia tổ cộng đồng ở Bù Gia Mập này, những “nốt ruồi son” như vậy xuất hiện gần như khắp người, nhất là ở chân và tay. Tuy vậy, đáng sợ hơn cả vắt, rắn, rết, sốt rét... là ve đỏ. Loài ve giống con bọ, nhỏ li ti như đầu kim, xuất hiện nhiều vào mùa khô, trú ẩn ở những thân cây mục, chuyên hút máu người, gây đau nhức và ghẻ ngứa, có khi gây sốt, cả tháng trời mới hết, rồi để lại sẹo chi chít khắp người, nhất là lưng. Có những thời điểm, loài ve này bùng phát, bu kín cả vách chòi canh. “Quay đầu” Kể về quá khứ, vẻ mặt bẽn lẽn, ngại ngùng, Điểu Ma Giang (Tổ trưởng Tổ cộng đồng thôn 3, xã Đác Ơ) nói: Ở đây ai cũng từng là “lâm tặc” cũng từng phá rừng làm rẫy trồng lúa. Thói quen của đồng bào S’tiêng mình là phá rừng, phát rẫy chỗ nào cây lúa lên không tốt thì lại đi phá rừng chỗ khác, hoặc qua một mùa lúa, đất hết màu mỡ, bà con đi phát cái rẫy mới... Điểu Thớ, một thành viên khác trong Tổ, “thanh minh”: Nhưng bà con chưa bao giờ phá những cánh rừng già thuộc VQG, chỉ phá rừng của các lâm trường hoặc rừng “nghèo” thôi. Hơn nữa, mỗi gia đình chỉ cần ba đến bốn sào rẫy để trồng lúa... Cũng từng là “lâm tặc”, nhưng anh em Điểu Chúch và Điểu Kúch ở Tổ cộng đồng thôn Bù Dốt lại có số phận khá đặc biệt. Dù cuộc sống khá sung túc, với mấy héc-ta điều và tiêu, bản thân Kúch từng là đội trưởng thôn Bù Dốt, còn Chúch là kiểm lâm viên, nhưng do bị rủ rê, hai anh em đã tham gia một vụ phá hơn 9 ha rừng của lâm trường, để lấy đất làm rẫy… Sau hai năm ở tù, đầu năm 2015, hai anh em đã tự nguyện tham gia Tổ cộng đồng… Đêm rừng già tối như mực, mưa rả rích. Bên trong chòi, dưới ánh đèn pin mờ ảo, ánh mắt Điểu Ka Lôi càng buồn xa xăm... Từng là một y tá rồi làm cán bộ chữ thập đỏ, cho nên Ka Lôi càng bị ám ảnh, ray rứt hơn khi chứng kiến không ít ánh mắt trừng trừng của những con khỉ, con voọc chà vá chân đen… chết do bị săn bắn. Không riêng Ka Lôi, mà những thành viên tổ cộng đồng khác đều trầm buồn khi tôi hỏi lý do tham gia việc bảo vệ rừng. Rồi như để chứng minh nhận thức của đồng bào S’tiêng đã “đổi mới”, Điểu Ma Giang khoe: Mới vài ngày trước, mình nhận được hai lá đơn xin tham gia lực lượng bảo vệ rừng. Dù Ma Giang không nói ra, nhưng thông qua các thành viên khác, tôi biết được vai trò quan trọng của anh đối với quá trình chuyển biến nếp sống, nếp suy nghĩ của đồng bào. Anh không những là Tổ trưởng Tổ cộng đồng thôn 3, mà còn là Bí thư chi bộ thôn 3. Còn ở Tổ cộng đồng thôn Bù Dốt, nơi có bốn đảng viên, Bí thư chi bộ thôn Điểu Vươn tâm sự: Đảng viên phải làm gương, phải đi đầu. Trong tổ cộng đồng, mọi người đều bình đẳng, kể cả đảng viên, vào họp ai cũng được thoải mái phát biểu ý kiến về mọi vấn đề, trên tinh thần đồng lòng, đồng thuận và đoàn kết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Trân trọng thiên nhiên Cuộc nói chuyện trong đêm khuya ở chòi giữa tôi và Điểu Mép thường xuyên bị ngắt quãng bởi những trận mưa rừng ào ào bất chợt, đặc biệt là tiếng kêu chát chúa, rùng rợn đặc trưng của những con mắc miêng (đồng bào S’tiêng gọi là con ma mắc miêng, một loại ve rừng). Tổ cộng đồng thôn Bù Dốt với 20 thành viên nhận khoán, bảo vệ khoảng 1.878 ha rừng thuộc VQGBGM. Mỗi đợt trực kéo dài năm ngày, rồi về nhà nghỉ 10 ngày. Tính ra, mỗi quý, mỗi thành viên trực bình quân từ 30 đến 32 ngày. Điểu Mép cho biết: Việc bảo vệ rừng là để bà con kiếm thêm tiền mua gạo ăn, chứ không thể lo đầy đủ cho gia đình được, vì mỗi quý, mỗi người lãnh chưa tới 4,5 triệu đồng, chưa trừ tiền ăn, vật dụng sinh hoạt và làm việc khác. Cái chính là để giữ lại rừng cho con cháu, làm để nêu gương cho lớp trẻ... Ở các tổ cộng đồng khác, thu nhập của đồng bào có cao hơn nhờ diện tích rừng bảo vệ lớn, tính chất rừng (độ giàu, độ khó…), nhưng sự gian khổ và nguy hiểm lại nhiều hơn. Ở Tổ cộng đồng thôn 3 (xã Đác Ơ), một ca trực kéo dài đến 20 ngày, mỗi chốt ở 10 ngày. Bên cạnh đó, mỗi tháng còn có bốn chuyến tuần tra liên ngành, mỗi chuyến “luồn rừng” ít nhất ba ngày, chưa kể những đợt tham gia tuần tra đột xuất. Hơn nữa, ba tiểu khu rừng do tổ này phụ trách còn nằm kề con sông Đác Huýt, ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, điểm nóng về khai thác gỗ lậu và săn bắn thú rừng trái phép, nên anh em rất căng thẳng cả ngày lẫn đêm… Tuy vậy, Điểu Thớ lại hớn hở: Mình tham gia giữ rừng để sống gần với thiên nhiên hơn, tổ tiên mình đã sống vậy mà, mình không bỏ nếp sống đó được. Với đồng bào S’tiêng, những ngọn núi, những hòn đá lớn, con suối, hang động, cây lớn hai ba người ôm đều có tên. Vì “uy tín” của các tổ cộng đồng ngày càng tăng mà từ hai nghìn ha rừng giao khoán năm 2002, đến nay, VQGBGM đã giao khoán gần như 100% diện tích VQGBGM cho sáu tổ cộng đồng ở xã Bù Gia Mập và Đác Ơ (huyện Bù Gia Mập), ba tổ cộng đồng ở xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đác Nông), ba đồn biên phòng thuộc tỉnh Bình Phước và một đồn biên phòng thuộc tỉnh Đác Nông. Quả thật, “quả ngọt” của chương trình giao khoán rừng cho chính những người con của rừng xanh không chỉ thể hiện qua những con số khô khan, hay trên quãng đường khoảng 40 cây số từ cửa rừng đến chốt trực Bù Du Nga, tính chưa đầy đủ đã có đến 18 con suối lớn, nhỏ, có tên và không tên. Sẽ khó có được những dòng suối róc rách chảy đêm ngày, nếu rừng hết cổ thụ. Hai ngày ở cùng những người con “thế hệ mới” của đồng bào S’tiêng, tôi đã nghe được tiếng gọi bầy í ới náo nhiệt cả một góc rừng của những con voọc chà vá chân đen, loài voọc quý hiếm này cứ vài ngày lại quây quần trên mấy ngọn cây bằng lăng trắng, cách chòi canh chưa tới 100 m, để ăn chồi non rồi ngủ trên những cổ thụ kề bên… Và cả những con trâu rừng, bò rừng, bò tót, voi... xuất hiện thường xuyên hơn trong tầm mắt của những người con họ Điểu nơi đại ngàn Bù Gia Mập.

Tác giả: HOÀNG LIÊM

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây