Triển khai xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng

Tỉnh Bình Phước có 57.989 ha đất có rừng, có nhiều sông suối lớn chảy qua như Sông Mã Đà, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Sông Bé.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 thủy điện, 3 nhà máy nước được xây dựng trên địa bàn tỉnh và 3 nhà máy thủy điện, 5 nhà máy nước không đóng chân trên địa bàn tỉnh nhưng có sử dụng lưu vực của tỉnh Bình Phước. Với những lợi thế về vị trí địa lý, sông, suối, tỉnh Bình Phước có nhiều cơ hội được hưởng các giá trị chi trả  dịch vụ môi trườn rừng (DVMTR) từ nhiều đơn vị ở dưới hạ nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn.
Để có cơ sở chi trả tiền DVMTR cho các đối tượng tham gia cung ứng DVMTR, những năm trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập đoàn nghiệm thu số lượng, chất lượng rừng tham gia cung ứng DVMTR trên toàn tỉnh để xác định diện tích rừng được hưởng tiền DVMTR của các đơn vị chủ rừng. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu sẽ tiến hành tổng hợp số liệu, lưu trữ và chi trả tiền DVMTR cho các đối tượng quản lý, bảo vệ rừng theo lưu vực.
Hiện nay, công tác nghiệm thu đã cũ, theo Nghị định 156/NĐ-CP việc xây dựng bản đồ chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh sẽ thay thế hoàn toàn phương pháp nghiệm thu diện tích rừng theo phương pháp truyền thống.
Công tác  xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa trên cơ sở khi có kết quả kiểm kê rừng, kết quả diễn biến rừng, bản đồ lưu vực nơi cung ứng  dịch vụ môi trường rừng. Khi dữ liệu được chuẩn hóa theo cấu trúc của DVMTR, lớp bản đồ chi trả DVMTR được xây dựng trên cơ sở thông tin về hiện trạng rừng, vùng chi trả (ranh giới lưu vực), đơn giá chi trả, hệ số quy đổi (K) theo hướng dẫn tại Thông tư 22  
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các đơn vị liên hành hoàn thiện việc xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2017, 2018 trên phần mềm MapInfo. Đây là cơ sở để Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng thực hiện chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng theo quy định 156/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh được xem là nhiệm vụ cấp bách để tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Phước bảo đảm việc chi trả đúng đối tượng, đúng diện tích, công khai, minh bạch.

Tác giả bài viết: Thanh Thủy