Triển khai thu tiền dịch vụ môi trường rừng tại các đơn vị sản xuất công nghiệp

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, tạo ra động lực phát triển bền vững cho các chủ rừng, gia tăng đóng góp cho nền kinh tế quốc dân.
Ảnh sưu tầm: Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng
Theo đó, hàng năm nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng của tỉnh chủ yếu điện, nước sạch. Để mở rộng nguồn thu mới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Phước rà soát, nghiên cứu để triển khai nguồn thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Bước đầu, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Bình Phước đang phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường rà soát các doanh nghiệp sử dụng nước ngầm, nước mặt phải trả phí trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở rà soát các đơn vị sản xuất công nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ làm việc với Công ty cao su có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp để thương thảo, ký kết hợp đồng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Với mức thu từ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước là 50 đồng/m3.  Khối lượng nước để tính tiền chi trả DVMTR là khối lượng nước cơ sở sản xuất công nghiệp đã sử dụng, tính theo đồng hồ đo nước hoặc theo lượng nước được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, theo chứng từ mua bán nước giữa cơ sở sản xuất công nghiệp với đơn vị kinh doanh nước.
 Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ tiếp tục theo dõi các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng mới đi vào hoạt động để đàm phán, ký kết hợp đồng. Cùng với đó là đôn đốc, hướng dẫn và báo cáo đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị sử dụng DVMTR việc thực thi chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới sẽ có thêm nhiều đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng được ký hợp đồng tham gia thực hiện chính sách.  Theo đó, nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ còn tăng lên, thu nhập và mức sống của người dân làm nghề rừng cũng được nâng lên đáng kể. Qua đó cho thấy, ý nghĩa của chính sách chi trả DVMTR về mặt kinh tế không chỉ ở mức độ đóng góp về nguồn lực tài chính, mà quan trọng hơn là ở tính bền vững của nó trên cơ sở tự nguyện của các bên cung ứng và sử dụng DVMTR.

Tác giả bài viết: Thanh Thủy