Quy định mới mức phạt vi phạm hành chính về chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách mới của nhà nước với mục tiêu chính là huy động nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, trong đó quy định bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
​Hiện tại, chính sách đã xác định được 5 dịch vụ cung ứng, tuy nhiên chỉ mới đưa vào thực hiện thu tiền các dịch vụ sau: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch, qua đó các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả là: các nhà máy thủy điện, công ty kinh doanh du lịch sinh thái, nhà máy sản xuất nước sạch.Trong những năm qua, nhiều đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên toàn quốc chậm thực hiện việc đăng ký trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng chưa có chế tài xử phạt cụ thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách.
Description: DSC00539
  ảnh minh họa
 
Để thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ngày 5/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Nghị định số 41/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/ 2013 của Chỉnh phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, cụ thể:
Người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không ký hợp đồng chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng sau 03 tháng, kể từ khi sử dụng dịch vụ môi trường rừng, bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng nếu không ký hợp đồng đối với chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả trực tiếp; Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh trong trường hợp chi trả gián tiếp; Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam trong trường hợp chi trả gián tiếp. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các mức phạt đối với hành vi người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không kê khai tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả gián tiếp; Người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ;
Đồng thời, Nghị định quy định xử phạt chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ, đúng hạn tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng ký kết giữa chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng như sau: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả đến 5 triệu đồng; Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả đến 5-20 triệu đồng; Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả đến 20-50 triệu đồng;  Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả trên 50 triệu đồng;
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2017./.

Tác giả bài viết: Ngọc Hân