Phát triển nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, tạo ra động lực phát triển bền vững cho các chủ rừng, gia tăng đóng góp cho nền kinh tế quốc dân.
Ảnh:  Nhà máy nước Phú Riềng đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng
Theo đó, khi nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng tăng lên theo Nghị định 147/NĐ-CP Chính phủ, cụ thể nguồn thu từ thủy điện 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh và nước  sạch từ 40 đồng/ m3 lên 52 đồng/m3 thì nguồn  tiền DVMTR trong năm 2017 của Bình Phước từ hơn 18 tỷ lên 32 tỷ. Đây có thể là một bước chuyển trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Hàng năm Bình Phước nguồn thu ủy thác chủ yếu từ các đơn vị thủy điện và sản xuất nước sạch. Để nguồn thu không chỉ dừng lại ở con số trên, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đang rà soát các đối tượng sử dụng dịch vụ trên địa bàn tỉnh, những đơn vị sử dụng mới chủ yếu thủy điện, nước sạch và các cơ sở sản xuất công nghiệp. Do vậy, sắp tới sẽ có thêm nhiều đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng được ký hợp đồng tham gia thực hiện chính sách. Dự kiến nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ còn tăng lên, nguồn thu nhập và mức sống của người dân làm nghề rừng cũng được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, công tác phát triển nguồn thu này trong quá trình thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đến các đơn vị sử dụng sản xuất công nghiệp. Đây là nguồn thu ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng mới trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, cần có sự hợp tác tích cực của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, cũng như sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh.
Việc triển khai phát triển nguồn thu, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng rất mong các cấp, ngành, địa phương, đặt biệt là các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủng hộ tạo điều kiện cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện chính sách một  thuận lợi, hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của các hộ đồng bào tham gia giữ rừng trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Tiên Phong - Văn Lực