Kiểm tra giám sát việc quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại các đơn vị chủ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đảm bảo các đơn vị chủ rừng sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, đúng hạng mục chi theo quy định và phù hợp với loại hình hoạt động của từng đơn vị. Vừa qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Quỹ) đã tổ chức kiểm tra công tác quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2019 tại 14 đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
           Theo kế hoạch thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2019 trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 766/QĐ-UBND ngày 18/4/2020. Để sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được giao kịp thời, đúng mục đích, đa số các đơn vị chủ rừng đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trình cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt, phù hợp với loại hình hoạt động của đơn vị.
          Trên cơ sở Kế hoạch thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng đã được cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt, cơ bản các đơn vị chủ rừng đã triển khai thực hiện đầy đủ các hạng mục công việc, hồ sơ chứng từ sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ theo mỗi hạng mục công việc, thực hiện các hạng mục chi đúng theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch được phê duyệt theo từng loại hình hoạt động của đơn vị.
          Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra hồ sơ, chứng từ do các đơn vị chủ rừng cung cấp cho thấy trong quá trình thực hiện các hạng mục công việc có sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, tại một số đơn vị chủ rừng còn những tồn tại và hạn chế nhất định, như: Xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng chậm (cuối tháng 12 của năm kế hoạch); Thời hạn giao khoán trong hợp đồng chưa đúng theo quy định tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ; Việc chi trả tiền cho các đơn vị nhận khoán chưa đúng quy định và chưa đúng theo đối tượng, chủ thể tham gia ký hợp đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng; Có nhiều hạng mục công việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng chưa thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và hồ sơ, chứng từ chưa đúng theo quy định…
          Trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát tại các đơn vị chủ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tổng hợp, báo cáo đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ chỉ đạo: (1) Các đơn vị chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được thụ hưởng hàng năm, đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Kế hoạch thu chi hàng năm được cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt và phù hợp với loại hình hoạt động của đơn vị; (2) Cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị chủ rừng (chủ yếu là UBND các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn tỉnh) chủ động thẩm định, phê duyệt Kế hoạch thu chi hàng năm của các đơn vị chủ rừng trực thuộc, theo đó đảm bảo nội dung Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và sử dụng kinh phí đúng mục đích theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với loại hình hoạt động của các đơn vị chủ rừng; (3) Các đơn vị chủ rừng rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, chứng từ có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng từ trước đến nay, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện hồ sơ chứng từ có liên quan hoặc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo hồ sơ sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với loại hình hoạt động của từng đơn vị chủ rừng.
            Trong thời gian tới Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc quản lý và sử dụng tiền DVMTR tại các chủ rừng. Trên cơ sở kiểm tra, giám sát sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại và hỗ trợ các đơn vị chủ rừng từng bước củng cố, hoàn thiện các hồ sơ có liên quan, đảm bảo việc quản lý và sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương./.
 

Tác giả bài viết: Thanh Thủy