Công tác quản lý bảo vệ rừng Nông lâm trường Bù Đốp

Nông Lâm trường Bù Đốp trực thuộc Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé, với diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ rừng năm 2015 là 6.595,7 ha (trong đó: rừng tự nhiên 5.033 ha, rừng trồng là 1.652 ha) thuộc lưu vực cung ứng DVMTR cho các đơn vị sử dụng DVMTR như: Nhà máy thủy điện Cần Đơn, Srok Phu Miêng IDICO, các nhà máy nước đóng chân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Tp.HCM.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, Nông Lâm trường Bù Đốp đã giao khoán một phần diện tích cho Hạt kiểm lâm Bù Đốp và phần diện tích còn lại đơn vị  tự tổ chức bảo vệ. Thực hiện nhiệm vụ được giao, đơn vị tổ chức bố trí 03 chốt chặn, tuần tra thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng bao gồm: Chốt quản lý bảo vệ rừng đường 10; Chốt quản lý bảo vệ đường sông; Chốt quản lý bảo vệ đường tuần tra. Các chốt có nhiệm vụ kiểm tra xác định các khu vực thường  xuyên xảy ra tình trạng khai phá lâm sản, săn bắt động vật, các khu vực dễ phát sinh cháy nổ trong mùa khô.

Hình ảnh: Đội tuần tra bảo vệ rừng làm nhiệm vụ
 
Nhờ công tác tổ chức quản lý bảo vệ  rừng chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra giám sát nên kết quả thực hiện việc bảo vệ rừng của đơn vị mang lại hiệu quả tích cực. Chất lượng rừng của Nông lâm trường gia tăng, độ che phủ của rừng được nâng cao, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng giảm. Diện tích rừng quản lý được bảo vệ tốt giúp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở NLT Bù Đốp ngày càng phát triển, đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Kiểm lâm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng.
Hình ảnh: Đội tuần tra thu giữ tang vật (măng tươi ) bị khai thác trái phép

Nhìn chung, công tác quản lý bảo vệ rừng tại Nông lâm trường Bù Đốp có sự thay đổi rõ rệt, chính nhờ sự phối hợp cùng với các cơ quan quản lý nhà nước như Hạt kiểm Lâm, UBND xã, UBND huyện tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý các vi phạm lâm luật theo quy định ban hành. Trong thời gian tới, Nông trường Bù Đốp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, nhằm nâng cao ý thức của người dân sinh sống, góp phần trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương, bảo tồn đa dạng sinh học./.

Tác giả bài viết: Ngọc Hân