Tác động của việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Ngày 24-9-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) (gọi tắt là Nghị định 99). Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập nên một nguồn lực tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần tạo nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi. Tuy nhiên, đây là một chủ trương, chính sách mới, nên việc thực hiện không thể tránh khỏi những bất cập, hạn chế nảy sinh từ thực tiễn.
Nông dân xã Sơn Hà, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) chăm sóc rừng vầu 10 năm tuổi.  Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

 

Để giải quyết những bất cập quy định tại Nghị định 99 này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99. Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi lần này là điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kW giờ lên 36 đồng/kW giờ và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3, nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng và dựa trên tỷ lệ giá điện, giá nước sạch biến động tương ứng với giá bán lẻ điện bình quân từ năm 2008 đã tăng từ 890 đồng/kW giờ lên 1.622,05 đồng/kW giờ (tăng 1,8 lần), giá nước sạch bình quân đã tăng từ 7.072 đồng/m3 lên 9.122 đồng/m3 (tăng 1,3 lần). Dự thảo lần này cũng quy định rõ: Đối với diện tích rừng có mức chi trả DVMTR vượt quá hai lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng, cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, điều tiết cho những diện tích rừng có cung ứng DVMTR có mức chi trả thấp hơn mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng. Đối với các chủ rừng là tổ chức, tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật, tiền DVMTR được coi là nguồn thu của chủ rừng; chủ rừng được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức. Trường hợp có thực hiện khoán bảo vệ rừng, thì được sử dụng 10% số tiền trên để thực hiện các công việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá chất lượng, số lượng rừng để thanh toán tiền DVMTR hằng năm và tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng. Số tiền còn lại (90%), được dùng để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nhận khoán bảo vệ rừng…

Vậy, việc điều chỉnh này có tác động như thế nào đến các mặt của cuộc sống?

Tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường: Việc điều chỉnh này sẽ tăng nguồn thu tiền DVMTR từ khoảng 1.000 tỷ đồng/năm hiện nay lên khoảng 1.800 tỷ đồng/năm. Đây sẽ là nguồn tài chính rất quan trọng để quản lý, bảo vệ tốt hơn 5,78 triệu ha rừng cung ứng DVMTR, đơn giá chi trả bình quân trên một ha rừng sẽ tăng từ 170 nghìn đồng/ha lên khoảng 310 nghìn đồng/ha, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm diện tích mất rừng, tăng độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, cải thiện môi trường sinh thái. Tạo việc làm, tăng thu nhập và tạo động lực, khuyến khích chủ rừng, người dân tham gia bảo vệ rừng từ 1,8 triệu đồng/hộ/năm lên khoảng 3,2 triệu đồng/hộ/năm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Tác động đến hệ thống pháp luật: Nghị định sửa đổi, bổ sung Chính sách chi trả DVMTR, góp phần hoàn thiện, khắc phục một số bất cập, hạn chế Nghị định 99 của Chính phủ, bảo đảm tính hiệu lực, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng, tác động tích cực để các cơ quan quản lý nhà nước, các bên cung ứng và sử dụng DVMTR và các tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Qua đó, góp phần củng cố và phát triển lành mạnh “thị trường cung ứng dịch vụ hàng hóa môi trường rừng” trong lĩnh vực lâm nghiệp, phù hợp với xu thế mới, xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành lâm nghiệp nói riêng, bảo đảm tuân thủ các quy luật kinh tế, cơ chế thị trường của nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần. Tạo hành lang pháp lý, khẳng định quyền của các chủ rừng, quyền của bên có cung ứng DVMTR, họ xứng đáng phải được bên sử dụng chi trả tiền DVMTR theo thị trường cung ứng dịch vụ hàng hóa môi trường rừng.

Tác động đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân: Đối với người tiêu dùng, khi điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR sẽ làm tăng giá bán điện thương phẩm thêm 16 đồng/kW giờ, giá bán nước sạch thêm 12 đồng/m3 và người sử dụng điện, nước phải trả thêm một khoản tiền nhỏ. Thí dụ: Hộ sử dụng điện 50 kW giờ/tháng thì phải trả thêm một khoản tiền là 800 đồng/tháng, hộ sử dụng 100 kW giờ/tháng thì phải trả thêm 1.600 đồng/tháng, hộ sử dụng 200 kW giờ/tháng thì phải trả thêm 3.200 đồng/tháng; hộ gia đình bốn người sử dụng nước trong định mức 16m3 nước/tháng thì phải trả thêm 192 đồng/tháng, hộ sử dụng 20 m3 nước/tháng thì phải trả thêm 240 đồng/tháng, hộ sử dụng 30 m3 nước/tháng thì phải trả thêm 360 đồng/tháng. Với số tiền phải trả thêm cho thấy, các hộ sử dụng điện, nước sinh hoạt với số lượng thấp sẽ không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của họ, thậm chí khi điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR thì các đối tượng này lại được hưởng lợi nhiều nhất vì đa số họ là chủ rừng, là bên cung ứng DVMTR.

Đối với một số ngành sản xuất có tiêu thụ điện năng lớn như ngành thép thì số tiền phải trả thêm cho một tấn thép là 7.200 đồng, chiếm tỷ trọng là 0,04% giá thành sản xuất thép; số tiền phải trả thêm cho một tấn xi-măng là 1.600 đồng, chiếm tỷ trọng là 0,12% giá thành sản xuất xi-măng.

Qua phân tích, đánh giá những tác động trên cho thấy, việc điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kW giờ lên 36 đồng/kW giờ và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3 không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và các ngành sản xuất, ngược lại nó có ý nghĩa quan trọng đối với toàn xã hội nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng. Hy vọng rằng, Nghị định sửa đổi, bổ sung này sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nhận giao khoán bảo vệ rừng ở các vùng miền núi, giúp họ từng bước cải thiện cuộc sống, yên tâm, gắn bó với rừng.

Nhờ có chính sách hợp lý, những cánh rừng ở tỉnh Lào Cai được bảo vệ và ngày
càng phát triển. Ảnh: VIỆT HÙNG


Nguồn tin: Báo nhân dân