Quy chế quản lý rừng phòng hộ

Ngày 09/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ kèm theo Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng và hưởng lợi từ rừng phòng hộ; đầu tư phát triển rừng phòng hộ.
Ảnh minh họa
 Đối với việc, khai thác lâm sản trong RPH phải không làm giảm chức năng phòng hộ của rừng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên không được khai thác những loài động, thực vật rừng quý hiếm và những loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên không được phép khai thác gỗ, chỉ được phép tận thu gỗ là những cây, lóng, khúc, bìa bắp gỗ đã khô mục, lóc lõi, gỗ cháy; cành ngọn, gốc, rễ....và khai thác bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ.
Riêng đối với việc khai thác gỗ trong rừng phòng hộ là rừng trồng do ngân sách nhà nước đầu tư chỉ được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ, tỉa thưa; thu gom cây gỗ nằm, gỗ khô mục, lóc lõi, gỗ cháy, cành, ngọn, gốc, rễ nhưng phải đảm bảo mật độ cây trồng chính còn lại ít nhất là 600 cây/hecta.
Quy chế cũng quy định cụ thể về việc khai thác gỗ trong rừng trồng là do người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ đầu tư, có thể được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ, tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ; được chặt ngọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 30% trữ lượng rừng…
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2015. Đồng thời, bãi bỏ các điều 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33; điểm a, khoản 4, điều 42; khoản 2, điều 12 tại quyết định số 186 ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng.
Quy chế này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình trong nước; người Việt nam định cư ở nước ngoài; tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ tại Việt nam.

Tác giả bài viết: Ngọc Hân