Tăng cường phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh

Bình Phước có nhiều diện tích rừng và đất lâm nghiệp giáp ranh với Bình Dương, Tây Ninh, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai. Khu vực giáp ranh là địa bàn phức tạp trong quản lý bảo vệ rừng rừng. Để nâng cao hoạt động quản lý bảo vệ rừng giáp ranh đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm tại các khu vực này.
Ảnh: Rừng  VQG Bù Gia Mập
Để hạn chế tình trạng phá rừng trái phép  giữa các vùng giáp ranh, Bình Phước đã chủ động phối hợp phối hợp xây dựng,  ký quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh với các tỉnh  giáp ranh nhằm bảo vệ vốn rừng hiện có, hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại rừng.
Theo đó, các tỉnh  giáp ranh với Bình Phước đã tích cực triển khai khá nghiêm túc những nội dung đã ký kết như  phối hợp với Bình Phước tham gia các đợt tuần tra, truy quét lâm tặc; điều tra, xác minh và xử lý vi phạm lâm luật liên quan; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân khu vực giáp ranh về ý thức bảo vệ, phòng ngừa các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng và vận chuyển lâm sản trái phép. Cụ thể, vùng giáp ranh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh từ năm 2016 đến nay, Hạt Kiểm lâm liên huyện Bình Long - Hớn Quản phối hợp Hạt kiểm lâm huyện Tân Châu, Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng tổ chức 32 đợt truy quét tại các điểm "nóng" khu vực giáp ranh, phát hiện gần 2.500 cây rừng non (từ 3 - 5 năm tuổi) bị chặt phá, tập kết tại các bến bãi dưới sông Sài Gòn. Nhờ công tác phối hợp, các địa phương đã hạn chế được tình trạng nhiều đối tượng có hộ khẩu ở tỉnh này tổ chức, lôi kéo các đối tượng khác phá rừng, xâm canh ở tỉnh khác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp giữa vùng giáp ranh vẫn còn những khó khăn, phức tạp. Tình trạng người dân ở các tỉnh sang địa bàn xâm canh, phá rừng vẫn chưa được giải quyết triệt để; các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản liên tỉnh ngày càng tinh vi.
Vì thế, ngoài việc tiếp tục triển khai nghiêm túc có hiệu quả quy chế phối hợp đã ký kết, thời gian tới, các đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền các cấp có vùng giáp ranh tăng cường công tác phối hợp trong chỉ đạo, đề ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quản lý nhân hộ khẩu, địa giới hành chính hiện nay. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng vùng giáp ranh như xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, bố trí trạm, chốt hợp lý và thường xuyên phối hợp tuần tra tại các cửa ngõ ra vào để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ được tăng cường./.

Tác giả bài viết: Thanh Thủy