Một số giải pháp bảo vệ rừng được thực hiện có hiệu quả trên đia bàn huyện Đồng Phú

Đồng Phú là huyện phía Nam của tỉnh Bình Phước, có tổng diện tích tự nhiên là 93.622 ha; có ranh giới giáp với tỉnh Bình Dương về phía Nam và tỉnh Đồng Nai về phía Đông, là 02 tỉnh thuộc khu vực trọng điểm về kinh tế của cả nước nên Đồng Phú được xác định là huyện có tiềm năng phát triển về các ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ của tỉnh.Trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện, rừng và đất rừng được xác định là có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và cảnh quan; tuy nhiên, trong các năm qua, diện tích rừng tự nhiên của huyện có nhiều biến động theo hướng giảm dần diện tích và chất lượng rừng mà nguyên nhân chủ yếu là do Nhà nước quy hoạch đất để thực hiện các dự án về kinh tế và an ninh quốc phòng và do người dân xâm nhập trái phép vào rừng để khai thác lâm sản làm kế mưu sinh.
Hoạt động kiểm tra giám sát bảo vệ động vật hoang dã tại NLT Tân Lập

Hoạt động kiểm tra giám sát bảo vệ động vật hoang dã tại NLT Tân Lập

Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp hiện nay của Đồng Phú là 19.855,8 ha; trong đó diện tích có rừng là13.170,09 ha, bao gồm rừng tự nhiên là 5.978,6 ha, rừng trồng là 7.191,49 ha. Toàn bộ diện tích trên được giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước chịu trách nhiệm quản lý (chủ rừng). 
Thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, Hạt Kiểm lâm Đồng Phú một mặt đã tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành công tác quản lý Nhà nước về rừng nhằm tăng cường trách nhiệm của UBND xã, các ngành chức năng và chủ rừng; một mặt đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong lực lượng kiểm lâm huyện nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng và khai thác trái phép lâm sản. Kết quả, trong giai đoạn 2012 – 2015, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã từng bước đi vào ổn định; cụ thể không còn xảy ra tình trạng phá rừng với mục đích chiếm đất sản xuất, tình trạng người dân vào rừng khai thác trái phép lâm sản cũng đã được hạn chế đến mức thấp nhất.
Các giải pháp mà Hạt Kiểm lâm đã và đang thực hiện là:
1. “Thế trận bảo vệ rừng tại gốc theo hướng tăng cường lực lượng trực tiếp cho địa bàn xã":
Một là: Xây dựng Phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển rừng cấp xã nhằm quản lý chặt chẽ nguồn lâm sản được khai thác, sử dụng, kinh doanh, chế biến và lưu thông trên địa bàn huyện, xã trọng điểm, trên từng tuyến đường giao thông liên xã. Phương án là sự tổng hợp có logic và khoa học trong một thể thống nhất từ tất cả các chỉ đạo riêng rẽ của các cấp; trong đó, lực lượng Kiểm lâm là nòng cốt, nhằm huy động được cả hệ thống chính trị của xã hội vào cuộc theo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân được pháp luật quy định. Hàng năm phương án phải được rà soát bổ sung, đưa ra khỏi phương án những vùng không còn là trọng điểm, bổ sung các vùng trọng điểm mới được xác định, đề ra các giải pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được tốt hơn. 
Hai là: Chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ngành, UBND xã, đơn vị chủ rừng thực hiện những giải pháp cấp bách trong công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp các cơ quan chức năng huyện, xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Ba là: Chỉ đạo Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, chủ động tham mưu Chủ tịch UBND xã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân sống gần rừng, ven rừng hoặc có hành nghề liên quan đến rừng; phân công cán bộ trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của nhân dân có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Đây là thế trận dựa vào dân, nhằm tạo lập được niềm tin vững chắc với các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với lực lượng kiểm lâm, để mọi thông tin liên quan đến công tác kiểm lâm đều được nhân dân biết; các phản ánh, kiến nghị, đề nghị kịp thời đến kiểm lâm, qua đó nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tính xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, là tiền đề cho công tác "Giữ vững ổn định trong công tác  BVR, PCCCR & PTR tại gốc".
Bốn là: Phối hợp với chủ rừng quản lý người dân ra, vào rừng trong mùa cao điểm về khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ như măng tre, nứa, hạt Ươi… và các tháng cao điểm về cháy rừng.
Trong năm 2014 - 2015, Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo đơn vị chủ rừng (các chốt cửa rừng) thực hiện việc mở sổ theo dõi người ra, vào rừng từ đó tuyên truyền, nhắc nhở những người ra, vào rừng phải thực hiện“Chấp hành và thực hiện đúng các quy định, nội quy, đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng”. 
Năm là: Thường xuyên kiểm tra hoạt động của kiểm lâm địa bàn và việc thực hiện Phương án BVR, PCCCR của Ban BVR xã, đơn vị chủ rừng nhằm đôn đốc, hỗ trợ, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ.
Sáu là: Ký kết và thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác với: Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa tỉnh Đồng Nai, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên, Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đăng, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương; đồng thời cũng đã ký kết quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với lực lượng Công an, Quân sự địa phương; nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Bảy là: Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng trong lực lượng Kiểm lâm Đồng Phú.
2. Tăng cường công tác điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng Kiểm lâm Đồng Phú là:
       Hàng tháng, hàng quý phải chọn việc trọng tâm; chọn địa bàn trọng điểm và thời gian thích hợp để chỉ đạo thực hiện quyết liệt, giải quyết dứt điểm, không được dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
        - Phải thực sự sâu sát cơ sở, sớm phát hiện tình hình hoặc vụ việc nổi cộm để giải quyết dứt điểm, không để xảy ra vụ việc rồi mới biết, thành điểm nóng.
        - Đổi mới toàn diện và thực hiện nghiêm túc hiệu quả công tác kiểm tra ở cả lãnh đạo, bộ phận chuyên môn cũng như Kiểm lâm địa bàn, trong đó phải nhấn mạnh việc kiểm tra công tác Kiểm lâm địa bàn và việc thực hiện Phương án BVR, PCCCR & PTR của Ban BVR xã để ngày càng hoàn thiện hơn trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của ngành.
        - Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương và dân chủ trong điều hành không bao biện làm thay cho cấp dưới, cho Chính quyền địa phương, cho chủ rừng; thường xuyên rà soát và sửa đổi bổ sung hệ thống quy chế, quy định phù hợp với tình hình nhiệm vụ của đơn vị ở từng giai đoạn, từng thời điểm của năm.
        - Việc thực hiện họp giao ban định kỳ với nội dung dần chuyển sang đối thoại lắng nghe ý kiến phản hồi của Kiểm lâm địa bàn; Tổ Kiểm lâm cơ động và cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khi được giao. Từ đó, đề ra phương án giải quyết từng vụ việc cụ thể phát sinh, nhất là các vấn đề nổi cộm ở từng địa bàn, từng tuyến, vùng giáp ranh, giảm hội họp truyền thống, sớm chuyển sang giao ban đối thoại có kết luận cụ thể và chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
        - Kiên trì thuyết phục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền để giải quyết những vấn đề lớn trong công tác quản lý BVR, quản lý lâm sản thành chủ trương chỉ đạo điều hành của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương.
        - Có lộ trình từng giai đoạn hoạt động, Kiểm lâm chuyển dần sang giúp chủ rừng, Ban BVR xã với phương châm “giúp người chính là cứu mình”.
Với các giải pháp trên, trong các năm gần đây, Hạt đã thực hiện thành công việc kéo giảm các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng, không còn để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng để lấy đất sản xuất. Trong các năm tới, Kiểm lâm Đồng Phú quyết tâm không ngừng phấn đấu, cống hiến hết sức mình để rừng Đồng Phú ngày càng phát triển đa dạng về sinh học, bền vững về các mặt, góp phần bảo vệ môi trường, sự phát triển về kinh tế xã hội của huyện nhà.

Tác giả bài viết: Hoàng Hoan

Nguồn tin: Hạt KL Đồng Phú