Hiệu quả sau 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Sau 3 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Bình Phước đã đạt được những kết quả khích lệ, tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc quản lý bảo vệ rừng, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng.
Tuyên truyền lưu động trên xã Đăk – Ơ, Bù Gia Mập.

       Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được thành lập từ tháng 10/2012. Đến nay, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã nhận ủy thác từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và thu từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng khoảng 74,1 tỷ đồng có 16 đơn vị sử dụng DVMTR của tỉnh gồm: 7 nhà máy thủy điện, 7 cơ sở sản xuất nước sạch, 2 tổ chức kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh có sử dụng DVMTR của tỉnh Bình Phước (trong đó có 1 cơ sở sản xuất nước sạch và 1 tổ chức kinh doanh chưa thu được tiền DVMTR).
     Với diện tích cung ứng DVMTR tỉnh Bình Phước là 68.788 ha, trong đó diện tích đang được chi trả DVMTR khoảng 53.317,737 ha (gồm có diện tích tự nhiên là 52.822,897 ha, diện tích rừng rừng trồng là 494,84 ha). Trên cơ sở diện tích chi trả DVMTR kê khai hàng năm của các đơn vị chủ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tham mưu Hội đồng Quản lý Quỹ đề xuất UBND tỉnh chi hơn 38,79 tỷ đồng hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng cho 9 chủ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2013, 2014, 2015 với mức chi trả trung bình từ 220.000-250.000 đồng/ha/năm. Với mức hỗ trợ này, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện được một phần đời sống cho người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Riêng tiền dịch vụ môi trường rừng truy thu năm 2011, 2012 là 31 tỷ đồng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tham mưu phương án chi trình UBND tỉnh, các Bộ và TTg Thủ tướng Chính phủ. Đến nay nguồn tiền này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi theo Công văn số 1820/TTg-KTTH, công tác giải ngân tiền sẽ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện chi trong thời gian tới.
    Ngoài ra, từ khi thành lập đến nay với nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, nhưng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác tuyên truyền tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức như tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, phát thanh truyền hình,… Để nâng cao hiệu quả nhận thức của người dân, cộng đồng nhận khoán, trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
    Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, diện tích rừng cung ứng DVMTR đã hạn chế các hiện tượng xâm lấn, khai thác rừng trái phép, không còn hiện tượng đốt nương làm rẫy và xâm hại đến tài nguyên rừng, chất lượng rừng trong lưu vực được ổn định, cụ thể: Năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị thiệt hại là 1,62 ha; phá rừng 7 vụ với diện tích rừng bị thiệt hại là 2,42 ha. So cùng kỳ năm 2013, số vụ cháy rừng giảm 14 vụ, diện tích bị thiệt hại giảm 91,502 ha; số vụ phá rừng giảm 41 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 15,59 ha. Để đạt được kết quả này, các chủ rừng xác định được vai trò chính sách tới phát triển lâm nghiệp bền vững, giá trị gián tiếp từ rừng mang lại. Một số chủ rừng tự tổ chức bảo vệ, có những kế hoạch, hành động cụ thể trong công tác bảo vệ rừng như: xây dựng chương trình công tác, lịch tuần tra, bảo vệ rừng,… Bên cạnh đó, một số chủ rừng tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ cá nhân, cộng đồng dân cư  trên địa bàn là mô hình phát huy hiệu quả, thực hiện tốt bảo vệ tài nguyên rừng.
     Có thể nói hiệu quả thiết thực của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã, đang và sẽ là tiền đề cho người dân Bình Phước tiếp tục phát triển nguồn lợi từ rừng để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả bài viết: Trần Văn Lộc – Giám Đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triền rừng