ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KINH TẾ RỪNG TRỒNG TRÊN ĐIỀU KIỆN LẬP ĐỊA TỈNH BÌNH PHƯỚC

            Mục tiêu của khoa học lập địa là đánh giá được tiềm năng lập địa, mức độ tích hợp, hiệu quả kinh tế của rừng trồng trên mỗi dạng lập địa để làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch sử dụng đất và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương cũng như mỗi chủ sử dụng đất. Trong đó, đánh giá tiềm năng và mức độ thích hợp với lập địa đã có nhiều công trình nghiên cứu trên phạm vi cả nước, đã đưa ra những quy trình đánh giá có cơ sở khoa học nên khá thuận lợi khi áp dụng ở các địa phương, còn đánh giá, so sánh về hiệu quả kinh tế của rừng trồng trên mỗi dạng lập địa thì chưa được quan tâm đúng mức. Nhưng trong thực tiến sản xuất, thì hiệu quả kinh tế rừng trồng trên mỗi dạng lập địa lại thường là yếu tố được xem xét trước. Bình Phước cũng đã có những công trình nghiên cứu khá công phu về tiềm năng và mức độ thích hợp của rừng trồng với lập địa; còn đánh giá về hiệu quả kinh tế thì phần lớn đang dựa vào kinh nghiệm và xu thế thị trường và các phương pháp phỏng vấn bán định lượng, chưa phân tích sâu về kinh tế. Do đó, việc đánh giá hiệu quả kinh tế rừng trồng trong những trường hợp cụ thể thường được thực hiện bởi các nhà kinh tế lâm học với những phần mềm phổ biến cho phân tích kinh tế. Hay nói cách khác, đánh giá hiệu quả kinh tế rừng trồng trên điều kiện lập địa là rất cần thiết, nhưng chưa được thực hiện một cách phổ biến với độ chính xác cao. Mặt khác, phát triển ứng dụng công nghệ thôn tin phục vụ cho sản xuất được xác định là một trong những giải pháp đi tắt, đón đầu trong thời kỳ hội nhập của đất nước với nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng tự động hóa trên toàn cầu. Bên cạnh đó khai thác, ứng dụng công nghệ thôn tin cũng là một nhu cầu không thể thiếu đối với các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý.
            Để góp phần khác phục những hạn chế nên trên, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho thực tiễn sản xuất và nghiên cứu khoa học; nghiên cứu này đã sử dụng bản đồ lập địa, đồng thời phát triển Ứng dụng đánh giá hiệu quả rừng trồng trên điều kiện lập địa tỉnh Bình Phước, với những mục tiêu cụ thể: (1) Truy cập, khai thác, sử dụng có hiệu quả bản đồ lập địa tỉnh Bình Phước. (2) Tự động hóa: Cập nhật dữ liệu truyền vào trực tiếp từ màn hình. Tính toán những thông số kinh tế cơ bản trong phân tích dự án trồng rừng. Vẽ biểu đồ tích lũy đầu tư - thu nhập theo thời gian, xác định điểm hòa vốn trong chu kỳ kinh doanh cho mỗi loại rừng trồng trên mỗi điều kiện lập địa cụ thể. Hỗ trợ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng lập địa. Để đáp ứng được những mục tiêu nêu trên thì phải: (1)  Khai thác, ứng dụng bản đồ lập địa tỉnh Bình Phước. (2) Xây dựng bảng số liệu kinh tế rừng trồng giả định. (3) Phát triển Ứng dụng đánh giá hiệu quả rừng trồng trên điều kiện lập địa tỉnh Bình Phươc.
            1. Cơ sở dữ liệu: Bảng số liệu kinh tế rừng trồng giả định có định dạng .mdb, được xây dựng là cơ sở giả định về đầu tư, thu nhập cho rừng Cao su trên dạng lập địa có mã hóa " R2H1U1S1D3F1FkT2" với chu kỳ kinh doanh 29 năm, trong đó có: thời gian đầu tư; năm đầu tư; giá tri đầu tư, thu nhập, lãi thuần; lãi suất, giá trị hiện tại đầu tư, thu nhập; lãi ròng (NPV) tỷ suất thu hồi nội bộ (IRR); tỷ suất thu nhập so với đầu tư (BCR); thời gian và giá trị hòa vốn như ở Hình 01.

 
                        Hình 01: Bảng số liệu kinh tế rừng trồng giả định trong một chu kỳ kinh doanh
 
            2. Giao diện của Ứng dụng: Ứng dụng đánh giá hiệu quả kinh tế rừng trồng trên điều kiện lập địa tỉnh Bình Phước có giao diện như Hình 02.
 
                                              Hình 02: Giao diện Ứng dụng đánh giá hiệu quả kinh
                                             
tế rừng trồng trên điều kiện lập địa tỉnh Bình Phước
 
            3. Chức năng của Ứng dụng: Những chức năng cơ bản của Ứng dụng này, gồm:
            - Công cụ và truy xuất bảng đồ lập địa: Công cụ truy xuất bản đồ và dạng lập địa được viết bằng ngôn ngữ MapBasic 10.5 với thuật truy vấn và kiến tạo thành menu độc lập trên Mapinfo 10.5. Công cụ này được nhúng vào Ứng dụng, khi chọn chức năng truy xuất bản đồ lập địa thì công cụ được kích hoạt. Tiếp tục chọn menu "Ban do lap dia Binh Phuoc" thì bản đồ lập địa được truy xuất như Hình 03. Tiếp tục chọn dạng lập địa cần phân tích hiệu quả kinh tế để cập nhập mã hóa lập địa.
   
                                     Hình 03: Công cụ và truy xuất bản đồ lập địa tỉnh Bình Phước 
 
            - Cập nhật dạng lập địa, giá trị đầu tư, thu nhập: Sau khi truy xuất dạng lập địa, chọn loại rừng trồng, thay đổi trực tiếp tổng giá trị đầu tư theo năm, năng suất, giá bán trên màn hình và chọn chức năng cập nhật thì Ứng dụng sẽ tự động cập nhật các giá trị đó vào Bảng số liệu kinh tế rừng trồng như Hình 04. Ứng dụng này cho phép người sử dụng đất cập nhật giá trị kinh kế sát với điện kiện thực tế.
            - Tính toán các chỉ số kinh tế: Sau khi đã cập nhập dạng lập địa và các thông số kinh tế và tiếp tục chọn các chức năng: tính tổng thu nhập, đầu tư, lãi thuần; giá trị hiện tại của đầu tư, thu nhập, tỷ suất đầu tư so với thu nhập (BCR); giá trị lãi ròng NPV; suất thu hồi nội bộ (IRR) thì ứng dụng sẽ tự động tính toán những thông sô đó và cho kết quả như ở Hình 04.

 
   
               
                             Hình 04: cập nhật dạng lập địa, giá trị đầu tư, thu nhập

        
    - Vẽ biều đồ tích lũy giá trị hiện tại đầu tư, thu nhập, điểm hòa vốn:
Khi chọn chức năng vẽ đồ thị thì Ứng dụng sẽ tự động đọc: (1) giá trị hiện tại đầu tư, thu nhập hàng năm; số năm trong chu kỳ kinh doanh, chiều rộng, chiều dài của khung bản đồ. (2) Vẽ biễu đồ tích lũy giá trị hiện tại đầu tư, thu nhập theo năm trong chu kỳ kinh doanh; đồng thời xác định giá trị, thời gian hòa vốn và vẽ tọa độ điểm hòa vốn như Hình 05. Từ biểu đồ tích lũy đầu tư, thu nhập và điểm hòa vốn và những đặc điểm về lập địa thì người sử dụng lập địa có thể điều tiết kế hoạch đầu tư để cho hiệu quả sản xuất tối ưu.
 
                            Hình 05: Biểu đồ tích lũy đầu tư, thu nhập và điểm hòa vốn
 
            - Tổng hợp diện tích dạng lập địa theo huyện: Khi chọn chức năng tổng hợp diện tích dạng lập địa theo huyện, thì Ứng dụng sẽ tự động truy cập bản đồ lập địa và tổng hợp diện tích dạng lập địa đó theo huyện như Hình 06. Từ kết quả phân tích hiệu quả kinh tế của rừng trồng và phân bố diện tích dạng lập địa đó theo huyện thì sẽ giúp cho những nhà quản lý hoạch định kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ở địa phương có hiệu quả hơn.
 
                            Hình 06: Tổng hợp diện tích dạng lập địa theo huyện
           
- Xuất bảng số liệu kinh tế giả định sang Excel và kiểm tra kết quả:
Khi chọn chức năng xuất bảng số liệu kinh tế rừng trồng giả định sang Excel thì Ứng dụng sẽ xuất bảng số liệu kinh tế rừng trồng sang chương trình Excel. Tại chương trình Excel, sử dụng các hàm NPV, IRR trong nhóm hàm Financial để kiểm tra lại kết quả tính toán của Ứng dụng như Hình 07.

 
                           Hình 07: Kiểm tra kết quả tính toán của Ứng dụng
                           bằng chương trình Excel

 
            - Hỗ trợ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng lập địa: Khi chọn chức năng hỗ trợ lập quy hoạch, kế hoạch sử lập địa, thì Ứng dụng sẽ: (1) Truy cập bản đồ lập địa, kết quả phân tích hiệu quả kinh tế. (2) Xuất ra màn hình kết quả: Giải thích các yếu tố cấu thành dạng lập địa. Cấp tiềm năng của dạng lập địa. Khả năng thích hợp của một số loại rừng trồng chủ yếu ở Bình Phước với dạng lập địa đó như Hình 08. Từ kết quả phân tích hiệu quả kinh tế, biểu đồ tích lũy đầu tư, thu nhập; đặc điểm và tiềm năng lập địa, khả năng thích hợp của rừng trồng với dạng lập địa thì nhà quản lý, chủ sử dụng lập địa sẽ chủ động hơn trong quy hoạch, kế hoạch nhằm đạt được hiệu quả sử dụng lập địa cao và phù hợp với điều kiện sản xuất trong thực tế.

               Hình 08: Thông tin hỗ trợ quy hoạch, kế hoạch sử dụng lập địa
 
            Từ những chức năng nêu trên, hy vọng Ứng dụng này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng lập địa trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đồng thời nhận được góp ý của đồng nghiệp để tiếp tục phát triển thêm chức năng cho những phiên bản tiếp theo.

Tác giả bài viết: TS Trần Quốc Hoàn - PGĐ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng