23:37 EDT Thứ năm, 18/04/2024

Nữ cựu chiến binh ở Bình Phước bảo vệ rừng

Thứ hai - 13/07/2015 04:15
NDĐT- Trong khi những cánh rừng già ngày ít dần, do bị tàn phá lấy gỗ, đất trồng cao su, canh tác nông nghiệp, …thì tại tiểu khu 379 Mã Đà, xã Tân Hoà, huyện Đồng Phú, Bình Phước, bằng quyết tâm của người lính và không ngại khó khăn, hàng chục năm qua, nữ cựu chiến binh Lê Thị Hồng Tươi đã bảo vệ, quản lý tốt 512ha rừng.
Ảnh minh họa.
 

Choáng ngợp và bất ngờ” khi vào thăm khu rừng già, lại tận mắt thấy những cây gỗ lim xẹt, cây kơnia, cây dầu... cao 20-30 mét, có cây phải ba, bốn người ôm mới xuể. Đi dưới những tán lá của cây rừng nhiều tầng, trùng trùng, lớp lớp mới thấy công sức của những người giữ rừng - nơi đã một thời che bộ đội, vây quân thù. Khi chúng tôi hỏi “bí quyết” để giữ được 512ha rừng, trong bối cảnh đất rừng Bình Phước ngày càng thu hẹp, nhất là khu rừng có nhiều gỗ quý. Bà Lê Thị Hồng Tươi, thương binh 4/4 khiêm tốn cho biết đã học Bác Hồ “coi rừng là vàng, nếu biết bảo vệ, thì rừng rất quý”. Từ lời dạy của Bác, người nữ cựu chiến binh đã quy tụ các đồng chí (cũng là cựu chiến binh) yêu rừng, quyết tâm bảo vệ rừng nguyên vẹn, không nghe lời dụ dỗ của kẻ gạ mua gỗ. “Nhưng điều cốt lõi là chăm lo tốt đời sống cho hàng chục bảo vệ, để họ vừa nuôi được bản thân, vừa giúp đỡ được gia đình. Tạo điều kiện để các bảo vệ trồng khoai mì (sắn), trồng rau tại vài khu đất trống để cải thiện kinh tế, vừa gắn bó và yên tâm bảo vệ rừng”.

Thành quả giữ hơn 512ha rừng này của nữ cựu chiến binh Lê Thị Hồng Tươi đã được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng Bình Phước đánh giá, “đây là khu rừng nguyên sinh đươc bảo vệ tốt. Diện tích rừng này cần được giữ lại làm khu sinh thái và bảo tồn di tích lịch sử”. Trước đó, bà Lê Thị Hồng Tươi được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khen công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng tốt. Ngoài ra, nhiều tổ chức khác như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), MTTQ Việt Nam... cũng vinh danh cá nhân bà Tươi cùng tập thể các cựu chiến binh, trong công tác bảo vệ và giữ nguyên trạng 512ha rừng nguyên sinh.

Trao đổi với chúng tôi, cựu chiến binh Phạm Công Trường, gần 70 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng khẳng định, khu rừng này một thời từng là trụ sở của Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ. Vì vậy, nó có giá trị lịch sử. Để có cánh rừng còn nguyên sơ như ngày nay, suốt 10 năm qua, trung bình mỗi năm gia đình bà Tươi bỏ ra hàng tỷ đồng để trả lương cho 20 bảo vệ - đều là cựu chiến binh để giữ rừng. Bà Lê Hồng Tươi cũng xác nhận, đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào, dù nhỏ từ Nhà nước cũng chưa khai thác bất cứ nguồn lợi gì từ rừng. Mục đích chỉ nhằm bảo vệ khu rừng còn nguyên vẹn, để con cháu hiểu về nơi các thế hệ ông cha thời kháng chiến. Bà Tươi cho rằng, về lâu dài rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước hỗ trợ kinh phí, bảo vệ khỏi lâm tặc phá rừng và người dân xâm canh, lấn chiếm đất; các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nghiên cứu hệ sinh thái rừng và có biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

Nói về điều này, ông Bùi Phó Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cựu chiến binh Bình Phước cho rằng, những năm qua trong khi diện tích rừng của tỉnh Bình Phước liên tục bị lấn chiếm, xâm canh và ngày càng thu hẹp thì công tác quản lý, bảo vệ rừng của nữ cựu chiến binh Lê Thị Hồng Tươi cần được biểu dương, tiếp tục duy trì và nhân rộng.

Tác giả bài viết: Lê Thẩm

Nguồn tin: Báo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Phóng sự

Thông báo giao ban

Truy cập nhiều

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì ở website ?

Văn bản

Tin tức

Thông báo

Tài liệu

Khác

Cảnh báo cháy rừng

....