Trồng rừng bán ngập, giải pháp tăng diện tích rừng

Bình Phước có khoảng 2.000 ha đất bán ngập, phân bố chủ yếu dọc theo lòng hồ thủy điện Cần Đơn và Thác Mơ. Diện tích này trước là rừng tự nhiên, khi xây dựng các công trình thủy điện, cây rừng bị chết do ngập nước, để lại hàng nghìn ha đất trống. Những năm qua diện tích đất này chưa được sử dụng, khai thác có hiệu quả.Từ năm 2012, Hạt kiểm Lâm Bù Đốp đã trồng 30 ha rừng bán ngập, bước đầu cho kết quả tốt, mở ra giải pháp tăng diện tích đất rừng ở Bình Phước.

Bước đầu thành công

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN & PTNT) Bình Phước, toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha đất bán ngập, chủ yếu ở hồ thủy điện Cần Đơn và Thác Mơ. Tuy nhiên việc quản lý, sử dụng diện tích này chưa hiệu quả và chưa được quan tâm đúng mức. Năm 2012, UBND tỉnh đã giao Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp thực hiện thí điểm trồng rừng bán ngập trên diện tích 30 ha, tại tiểu khu 72, thuộc lòng hồ thủy điện Cần Đơn.

Riêng huyện Bù Đốp có khoảng 500 ha đất bán ngập vẫn để hoang hóa, chưa khai thác.

Năm 2012, Hạt kiểm lâm Bù Đốp trồng thí điểm 30 ha rừng bán ngập, trong đó 15 ha tràm nước và 15 ha gáo nước. Đây là hai loại cây chủ lực, có khả năng chống hạn và chịu ngập nước cao. Khi cây tràm và cây gáo nước giáp tán, sẽ hạn chế được cây cỏ dại bùng phát sau khi nước rút (chủ yếu là cây mai dương, còn gọi là cây mắc cỡ Ma Vương) và chống được bồi lắng lòng hồ. Mặt khác, khi có rừng bán ngập phát triển sẽ ngăn chặn hiện tượng rửa trôi phù sa trên mặt đất những tháng hồ thủy điện tích nước. Rừng được khôi phục, hệ động vật có điều kiện phân bố, phát triển, người dân có thể kết hợp nuôi chim thú, thủy sản... để tăng thu nhập và giữ nguồn nước cho các hồ thủy điện, Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm Bù Đốp Nguyễn Văn Ách cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước Trần Văn Lộc, năm 2012, tỉnh phê duyệt hơn 950 triệu đồng để triển khai trồng 30 ha rừng bán ngập, trong đó khoảng 500 triệu đồng đầu tư trồng, chăm sóc ban đầu, hơn 400 triệu dùng để bảo vệ, chăm sóc trong năm năm tiếp theo. Qua hai năm đầu cho thấy, cây tràm và gáo nước có khả năng thích nghi với vùng đất bán ngập ở hồ thủy điện Cần Đơn. Hiện tại, rừng tràm, gáo mới trồng đã cao khoảng 1,5 m và phát triển mạnh.

Trong đợt tích nước cao nhất gần đây của hồ thủy điện Cần Đơn, nước ngập quá nửa thân cây, nhưng diện tích tràm và gáo vẫn phát triển bình thường. Đây là thành công bước đầu để Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp tiếp tục phát triển và nhân rộng diện tích rừng bán ngập trong thời gian tới.

Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm

Cái khó của diện tích đất bán ngập trên các hồ là không chịu tác động lên xuống như nước thủy triều, mà phụ thuộc trực tiếp vào sự điều tiết nước của các nhà máy thủy điện. Có thời điểm nước ngập hai đến ba tháng, có lúc lại khô cạn nhiều tháng liền, gây nhiều khó khăn cho công việc xuống giống. Dù cây tràm và gáo nước có khả năng chịu hạn, chịu ngập tốt, nhưng khi mới trồng cây còn nhỏ, thấp, khả năng chống chọi với nước yếu, chỉ cần nước ngập qua ngọn khoảng 15 ngày liên tục cây sẽ chết.

Để khắc phục những khó khăn đó, hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp đã điều chỉnh vị trí, khu vực trồng tràm, gáo hợp lý. "Chọn diện tích bán ngập cao trồng trước, cùng với đó ươm giống cây đạt độ cao khoảng 0,5 đến 0,7 m mới đem ra trồng, nhằm tránh những tình trạng cây chết trong mùa thủy điện tích nước", Trưởng chốt kiểm lâm đường sông Nguyễn Quang Hậu, người trực tiếp tham gia trồng rừng bán ngập cho biết.

Ngoài ra, tình trạng cây mai dương lấn diện tích cây tràm và gáo nước cũng là một trong những khó khăn trong việc trồng rừng bán ngập. Dọc theo Sông Đắk Huýt và các sông, suối trong lâm phần Nông lâm trường Bù Đốp, cây mai dương xuất hiện rất nhiều và phát tán nhanh trên diện tích đất bán ngập. Cây mai dương không sợ nước, không sợ lửa, chỉ sợ thiếu ánh sáng. Loài cây này có sức chịu hạn, chịu ngập tốt.

Điều nguy hại nhất, khi cây mai dương phát triển thì trồng tràm và gáo nước sẽ không cây nào sống nổi. Xịt thuốc để tiêu diệt cây mai dương, nhưng hiệu quả không cao, chỉ khi nào cây tràm và cây gáo nước giáp tán mới khống chế được cây mai dương, ông Nguyễn Văn Ách giải thích.

Với phương pháp vừa làm vừa rút kinh nghiêm,hiện nay 30 ha tràm và gáo nước đã vươn cao hơn 1,5 m và phát triển rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Ách cho biết, từ thành công thí điểm trồng rừng bán ngập lần này, năm tới Hạt kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục triển khai mở rộng diện tích. Khi đã thành rừng, sẽ tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Phước giao rừng bán ngập cho các tổ chức xã hội trực tiếp quản lý và khai thác nguồn thủy sản trên diện tích bán ngập. Tương lai có thể phát triển du lịch sinh thái.

Tác giả bài viết: LÊ THẨM - Báo Nhân dân