Nền văn hoá của các cộng đồng dân tộc - VQG Cát Tiên

Nền văn hoá của các cộng đồng dân tộc bản địa: ở VQG Cát Tiên có 2 cộng đồng dân tộc bản địa là Mạ và Stiêng với những nét sinh hoạt còn đậm tính truyền thống, một kho tàng văn hoá đặc trưng như: lễ hội đâm trâu, những truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo, những nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hoá và tâm linh như: bộ cồng chiêng, trống, khèn bầu, tù và, sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái bầu khô…
 Người phụ nữ Mạ nổi tiếng về nghề dệt thổ cẩm với những hoa văn tinh vi hình hoa lá, chim thú và nhiều màu sắc lạ mắt. Ngày nay, hàng thổ cẩm đang dần chiếm được cảm tình trong lĩnh vực thời trang và đặc biệt, đây là mặt hàng được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng.


   

Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên: di chỉ khảo cổ này được phát hiện vào năm 1985. Đây là một quần thể di tích rộng lớn được xây dựng chủ yếu bằng gạch đá, kéo dài trên 10km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai, phân bố tập trung ở xã Quảng Ngãi và thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. Theo nhận định của các nhà khoa học, có thể đây là một thánh địa với những di chỉ được khai quật thể hiện những thành phần kiến trúc của đền thờ Ấn Độ giáo như đền tháp, mộ tháp… cùng những hiện vật kim loại bằng vàng, đồng chạm khắc tinh vi các hình Nam Thần, Nữ Thần, Thần Silva, bò, voi…, những hộp k’lon để đựng tro xương hoả táng của người theo đạo Bà La Môn. Những hiện vật bằng gốm, bằng đá mà đặc biệt là bộ ngẫu tượng Linga - Yoni được ghè đẽo, chạm khắc tinh tế, sắc xảo.

   
   
   
   


 
  Trong dó, có một bộ ngẫu tượng được xác nhận là lớn nhất vùng Đông Nam Á. Di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1988. Và gần đây, các nhà chức trách hữu quan đã cho tiến hành khai quật, tôn tạo khu di chỉ này để hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Nguồn tin: VQG Cát Tiên