Giữ Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Biên phòng - Có đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), chúng ta mới thấy được những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những cụm gỗ quý như cẩm lai, gõ đỏ và các loại dược liệu quý. Thế nhưng, để giữ được những cánh rừng bao la đó là cả một "cuộc chiến" đầy cam go, phức tạp. Ông Vương Đức Hòa, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, nếu không có sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị BĐBP thì việc giữ rừng, giữ vườn của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Description: c6px_16
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắc Bô tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Bảy Phúc
Giữ rừng như giữ đường biên
Trong chuyến công tác tại Đồn BP Đắc Bô, BĐBP Bình Phước, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy xung quanh khuôn viên đơn vị là bạt ngàn những cánh rừng gỗ quý thuộc nhóm 1, nhiều cây to cao lừng lững. Ngay bên sân bóng chuyền của đơn vị là một cây gỗ cẩm lai to tướng, đường kính gần 1m. Cách đó không xa là mấy cây gõ đỏ, hai người ôm không xuể. Trung tá, Chính trị viên Lê Văn Hiền nói: Bây giờ chặt một cành cây cũng phải có lệnh của Thủ tướng. Việc giữ rừng trước kia đã nghiêm, bây giờ còn nghiêm hơn. Để giữ được những cánh rừng trù phú như ngày hôm nay, Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Bù Gia Mập, các đồn BP đã không quản nắng mưa, gian khổ, ngày đêm bảo vệ "lá phổi xanh" của quốc gia.
Theo Trung tá Lê Văn Hiền: "Đơn vị được giao quản lý hơn 1.200ha rừng, mặc dù cuộc sống tại đơn vị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng anh em vẫn xác định quyết tâm khắc phục khó khăn, vừa giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia. Theo đó, hằng tuần, đơn vị đều xây dựng kế hoạch độc lập hay phối hợp với các lực lượng bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng. Thực tế cho thấy, mỗi chuyến tuần tra là một thử thách đối với anh em khi đi làm nhiệm vụ. Bởi anh em phải vượt núi, băng đèo, xuyên rừng, lội suối, địa hình vô cùng hiểm trở. Có những con đường mòn trơn trượt, đường đi hẹp, tứ bề được bưng kín mít bởi rừng cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Chỉ cần sẩy chân một chút là có thể trượt ngã bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, bệnh sốt rét và các bệnh do côn trùng xâm hại vẫn còn lưu cữu có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe anh em…".
Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng những người lính Biên phòng vẫn ngày đêm kiên trì làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho những cánh rừng nơi đây. Là một người hơn 20 năm gắn bó với núi rừng Bù Gia Mập, Thiếu tá Đặng Lạc, cán bộ Đồn BP Đắc Bô tâm sự: "Những ngày đầu tiên về nhận nhiệm vụ trên tuyến biên giới này, vì chưa quen với công việc nên cảm thấy rất vất vả, nhưng lâu dần thành quen và rồi thấy mình gắn bó với nơi này lúc nào không hay".
Thiếu tá Đặng Lạc còn vạch áo cho chúng tôi xem dày đặc các nốt do ve rừng cắn khi anh đi tuần tra bảo vệ rừng, anh cười bảo: "Vắt thì không đáng sợ, nhưng nếu gặp trúng một ổ ve cám coi như mấy tháng liền không chịu nổi các vết cắn của chúng. Vùng da bị ve cắn không thể nào lành, thỉnh thoảng lại tái phát ngứa ngáy rất khó chịu. Có những đợt cao điểm, anh em thay phiên nhau đi tuần tra không kể ngày đêm, nhiều hôm phải mắc võng ngủ lại giữa rừng, sợ nhất là vào mùa khô, thời tiết nóng như chảo rang, sông suối cũng cạn trơ đáy, thiếu nước sinh hoạt, còn buổi tối, muỗi thì như trấu, khó khăn gian khổ là vậy, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao". Thiếu tá Lạc khẳng định, người lính Biên phòng chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ giữ rừng cũng quan trọng như giữ biên giới vậy.
Để rừng mãi xanh tươi
Bài học nhãn tiền, hậu quả khủng khiếp của việc phá rừng những năm gần đây đã khiến nhiều người tỉnh ngộ. Việc tập trung giữ lá phổi xanh Vườn quốc gia Bù Gia Mập không chỉ là nguyện vọng của người dân tỉnh Bình Phước, mà còn là quyết tâm chung của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tuy nhiên, cuộc chiến chống bọn "lâm tặc", "thú tặc" tại đây đang là một vấn đề hết sức nan giải.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích 25.788ha, được biết đến với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế, giá trị dược liệu cao, ngoài các loài cây gỗ quý hiếm, còn có rất nhiều loài động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, cùng nhiều loại cây dược liệu quý được sử dụng chữa bệnh nan y, hiểm nghèo, tăng cường sức khỏe… Vì vậy, công tác bảo vệ và giữ rừng luôn được các cấp chính quyền đặc biệt chú trọng.
Ông Vương Đức Hòa cho biết: "Tính đến nay, BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã giao khoán bảo vệ rừng cho 14 đơn vị nhận khoán, trong đó có 10 cộng đồng dân cư vùng đệm và 4 đồn BP. Riêng BĐBP Bình Phước có 3 Đồn BP gồm: Đắc Bô, Đắc Ka, Bù Gia Mập. Những năm trước đây khi chưa có BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tình trạng chặt phá rừng tại đây diễn biến rất phức tạp, từng là "điểm nóng" về nạn chặt phá rừng. Đến nay, sau 14 năm thành lập, với sự nỗ lực của tập thể BQL Vườn quốc gia và các lực lượng bảo vệ rừng, hiện tượng khai thác lâm sản trái phép đã được đẩy lùi".
Trong suốt nhiều năm qua, cùng với việc duy trì tổ chức tuần tra, canh gác, BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rừng làm nương rẫy, không săn bắt thú rừng và không xâm hại đến rừng. Mưa dầm thấm lâu, những việc làm ấy đã đem lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, người dân sinh sống ở khu vực cửa rừng đã không còn chặt phá cây rừng bừa bãi hay săn bắt thú nữa. Điều đáng mừng hơn là, mỗi khi phát hiện hành vi vi phạm lâm luật, bà con kịp thời thông báo ngay cho cơ quan chức năng biết để xử lý, ngăn chặn...
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết người dân sinh sống trong các xã vùng đệm của Vườn quốc gia là những xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông với hơn 80% là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, chưa có nhận thức đầy đủ về việc bảo tồn đa dạng sinh học... Vì vậy, thời gian qua, việc giáo dục nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm đã được BQL và các cơ quan chức năng hết sức coi trọng. Đến nay, các vụ vi phạm về khai thác lâm sản, săn bắn động vật hoang dã giảm rõ rệt, các vụ cháy rừng được phát hiện và chữa cháy kịp thời nên không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Cũng theo ông Vương Đức Hòa, mấy năm gần đây, để phát triển rừng bền vững, BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập luôn đề cao các giải pháp thực hiện bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, gồm: Nâng cao nhận thức của nhân dân để họ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, phòng chống cháy rừng; phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm trái pháp luật đất lâm nghiệp; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng, không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, cây công nghiệp; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở… bảo đảm an toàn cho những cánh rừng đầu nguồn biên giới và trả lại màu xanh vốn có cho rừng.

Nguồn tin: www.bienphong.com.vn/giu-vuon-quoc-gia-bu-gia-map