Cứu hộ động vật hoang dã ở rừng Cát Tiên

Do nhu cầu và lợi ích cá nhân, con người ngày càng xâm hại nhiều hơn đến thế giới tự nhiên, đặc biệt là các loài động thực vật quý hiếm. Hậu quả là ngày càng có nhiều loài thú được ghi danh vào sách đỏ đã bị tuyệt chủng. Trước thực tế này, nhiều tổ chức, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đã ra đời nhằm bảo tồn sự sống cho các loài động vật nguy cấp.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu cứu hộ gấu và thú họ mèo, bác sĩ thú y Nguyễn Văn Cường, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên cho biết, hiện nay khu cứu hộ này đang chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi bản năng hoang dã cho 35 con gấu và một con báo hoa mai. Những con gấu được đưa về đây đa số được tiếp nhận từ những hộ gia đình nuôi nhốt, khai thác để lấy mật.

 

 

Ông Lương Văn Hiến đang phẫu thuật cho một cá thể gấu

 

 


Bác sĩ thú y... bất đắc dĩ

Ông Lương Văn Hiến hiện là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên. Trước đây, nhiệm vụ chính của ông là chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên của Vườn. Tuy vậy, ông đã phải trở thành bác sĩ thú y bất đắc dĩ.

Trong quá trình tuần tra rừng, lực lượng kiểm lâm thỉnh thoảng lại phải mang về Vườn những con thú trong tình trạng bị thương do mắc bẫy, rồi giao cho ông Hiến chăm sóc và điều trị. Tiếng lành đồn xa, khi có nhu cầu cần cứu hộ động vật hoang dã, một số tỉnh lân cận cũng gửi các động vật về đây.

Ông Lương Văn Hiến nhớ lại: "Năm 2003, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai trao cho Vườn 8 con gấu đầu tiên. Trong đó có 4 con gặp vấn đề nghiêm trọng: con bị cắt cụt nguyên cả bàn tay, con thì bị mất 4 ngón tay, con bị xây xát trong quá trình vận chuyển, có con mang bầu sắp đẻ... Đây là thời kỳ trung tâm có số "bệnh nhân" đông nhất".

Đối với ông Hiến, việc điều trị cho các loài gấu không khó vì chúng có nhiều điểm tương đồng với con người. Khi tiếp nhận và chữa trị cho các chú gấu này, ông đã thực sự băn khoăn bởi gấu là loài rất hung dữ và có nhiều biểu hiện kỳ lạ. Chúng thường đụng vào vết thương và tự cắn, cào cấu vết thương làm cho bệnh tình nặng hơn. Điều này khiến ông Hiến hết sức ngạc nhiên. Khi liên lạc với bác sĩ thú y ở nước ngoài thì ông được biết đây là biểu hiện stress của con vật.

Việc chữa trị sau đó là cả quá trình gian nan, ông Hiến đã khắc phục tình hình bằng cách khâu các vết thương bằng chỉ cước lớn, tìm cách dấu vết thương, cho thuốc giảm đau, an thần mạnh hơn để kéo dài thời gian hàng tuần đợi lành vết thương. Đây là biện pháp bất đắc dĩ, bởi lẽ việc sử dụng thuốc an thần nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của gấu.

Năm 2005, Trung tâm chính thức được thành lập, ông Hiến được cử sang Đài Loan để học thêm chuyên môn về cứu hộ động vật và quay trở lại tiếp quản vị trí giám đốc Trung tâm này.

 

Chăm sóc thú, một công việc đầy gian nan

Khi tiếp nhận thú về Trung tâm, việc đầu tiên các nhân viên cứu hộ ở đây phải làm là lấy mẫu máu để làm các xét nghiệm. Việc làm này nhằm nhận biết được tình trạng sức khoẻ của gấu để có hướng điều trị, chăm sóc phù hợp. Những con gấu bị bệnh sẽ được điều trị cho khỏi bệnh, những con bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì sẽ có chế độ ăn riêng để cân bằng sức khoẻ.

Song song với việc chăm sóc, điều trị sức khoẻ là công tác phục hồi bản năng hoang dã cho chúng. Để làm được việc này, các nhân viên cứu hộ làm nhiều đồ chơi cho chúng. Khi chơi trò chơi, gấu sẽ nhanh nhẹn hơn, giảm stress. Các nhân viên chăm sóc gấu cũng thường dấu thức ăn vào thùng, gốc cây... để tập cho gấu khả năng đánh mùi và tìm kiếm, đào bới thức ăn.

Khi sức khoẻ ổn định, gấu sẽ được thả ra khu bán hoang dã rộng chừng 1ha. Khu bán hoang dã này được bao bọc bởi hàng rào rất tự nhiên, nó giúp cho gấu giải toả được tâm trạng nuôi nhốt. Điều này rất quan trọng trong việc phục hồi bản năng hoang dã của gấu.

 

Chưa tái thả gấu về với tự nhiên

Theo quy trình, nếu bản năng hoang dã được phục hồi thì gấu sẽ được thả về rừng. Tuy nhiên, đây là việc làm hết sức khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường, người đã có 7 năm làm việc tại Trung tâm cho biết: "Trước đây, chúng tôi chỉ mới tái thả những con gấu bị thương được phát hiện trong rừng. Những con gấu này đang sống trong tự nhiên nên còn giữ được bản năng hoang dã. Do vậy, ngay sau khi điều trị, Trung tâm đã tiến hành tái thả ngay. Còn đối với những con gấu bị nhốt lâu ngày thì việc thả về rừng hầu như là không thể".

Thực tế, các chuyên gia nước ngoài đã từng nghiên cứu tái thả cho những con gấu từng bị nuôi nhốt nhưng không thành công. Vì hầu hết gấu được cứu hộ đều là những cá thể bị nuôi nhốt nhiều năm để lấy mật, bản năng sinh tồn của chúng đã bị con người hủy hoại. Chúng đã quên mất những phản xạ tự nhiên nên việc tái thả là hết sức khó khăn.

Mặc dù rất muốn trao trả các cá thể gấu này cho tự nhiên, nhưng những chuyên gia làm công tác cứu hộ ở Trung tâm không dám thử nghiệm. Ngoài việc lo sợ dễ dàng bị săn bắt trở lại, các nhân viên ở đây cũng lo lắng rằng gấu là loài vật rất hung dữ nên nó có thể tấn công con người bất cứ lúc nào.

Ước tính, hiện nay tại Việt Nam có khoảng từ 4.000 đến 5.000 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt để lấy mật. Việc lấy mật tạo rất nhiều nguy cơ gây bệnh cho gấu. Trong quá trình lấy mật, nếu đâm kim sai vị trí có thể sẽ tạo các ổ áp xe. Khi không được điều trị kịp thời, những ổ áp xe này sẽ là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư ở gấu.

..................................................................................................................................................

 Khách tham quan hỏi mua mật gấu!?

Thành lập năm 2005, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên là nơi tiếp nhận, điều trị và phục hồi bản năng hoang dã cho các động vật thuộc nhóm nguy cấp bị săn bắt và nuôi nhốt trái phép. Hiện nay, ngoài việc cứu hộ gấu, Trung tâm còn nỗ lực tuyên truyền ý thức và hành vi bảo vệ loài gấu cho cộng đồng. Tuy vậy, nhận thức của người dân chưa có nhiều chuyển biến. Anh Cường kể: "Nhiểu du khách đến đây tham quan, khi thấy gấu được nuôi nhốt trong lồng còn hỏi mua cả mật gấu. Những lúc như vậy, mình lại phải làm công tác tuyên truyền, giải thích để họ hiểu về công việc cứu hộ động vật hoang dã".

Tác giả bài viết: Quốc Việt - VQG Cát Tiên

Nguồn tin: VQG Cát Tiên