Bù Gia Mập bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS

BP - Bù Gia Mập có 22 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22% số dân toàn huyện. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ dân nhập cư cao, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Mỗi vùng miền, mỗi thành phần dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú cho sắc màu văn hóa miền sơn cước Bù Gia Mập. Tuy nhiên, do bị tác động bởi nhiều yếu tố đã khiến văn hóa truyền thống dân tộc bản địa dần bị mai một.

 


Văn hóa đặc trưng của đồng bào Xêtiêng đang dần bị mai một. Trong ảnh: Đồng bào Xêtiêng múa và đánh cồng chiêng tại lễ hội văn hóa tỉnh năm 2014 - Ảnh: T.Phương

Món ăn tinh thần vô giá

Những bàn tay lam lũ, tảo tần trên nương rẫy trở nên khéo léo, mềm mại khác lạ khi dạo trên những dây đàn tính. Họ là người dân gốc xứ Lạng hiện ở thôn 6, xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập (nay là huyện Phú Riềng). Xa quê, có lẽ thứ quý giá nhất mà họ mang theo được là điệu hát then hòa cùng đàn tính truyền thống của dân tộc Tày. Điệu then đằm thắm, mượt mà vừa khỏa lấp nỗi nhớ nguồn cội trong lòng mỗi người vừa giúp họ vơi bớt mệt nhọc sau những buổi lao động.

Đội hát then thôn 6, xã Long Bình được thành lập từ năm 2003 với 12 thành viên. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, không kinh phí hỗ trợ nhưng các thành viên tự đóng góp để duy trì hoạt động của đội và mọi người luôn cảm thấy vui khi được thỏa niềm đam mê âm nhạc truyền thống.

Những bài hát được đội sử dụng chủ yếu là đặt lời mới dựa trên giai điệu, tiết tấu của làn điệu then, như bài: Bình Phước quê tôi, Hương điều Bình Phước, Lạng Sơn quê Noọng... Tuy số lượng bài còn khiêm tốn song đó thực sự là món ăn tinh thần vô giá của mỗi người.

Là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, cộng đồng dân tộc Xêtiêng có kho tàng văn hóa truyền thống khá đồ sộ như: Văn nghệ dân gian, văn hóa lễ hội, ẩm thực, thổ cẩm... Nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ mai một bởi những người lưu giữ văn hóa truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và hầu hết đều đã ở tuổi thất thập. Đơn cử như nghệ nhân Điểu Kiêu ở thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa. Biết chơi nhạc cụ ở tuổi 18, 20 nhưng đến nay, sau ngót 40 năm ông vẫn chưa có cơ hội được truyền dạy cho ai. Giới trẻ dường như bị sức hút của dòng nhạc thị trường nên không mặn mà với nhạc dân tộc. Nhạc cụ dân tộc nhiều nhưng người biết chơi lại hiếm nên nghệ nhân Điểu Kiêu cứ phải chơi riêng lẻ.

Bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc

Mỗi vùng miền, mỗi thành phần dân tộc có bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú cho văn hóa ở Bù Gia Mập. Hiện có khoảng gần chục đội văn nghệ tại các xã đều đặn luyện tập. Đó là đội hát then của người Tày, hát Chăm của đồng bào Chăm, đờn ca tài tử của người Kinh, hát dân ca của đồng bào Xêtiêng...

Ưu tiên phát triển, bảo tồn văn hóa dân tộc Xêtiêng bản địa, mới đây, UBND huyện Bù Gia Mập đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Xêtiêng” giai đoạn 2013-2018 nhằm hình thành một thế hệ nghệ nhân là người Xêtiêng, giúp thế hệ trẻ hiểu biết về làn điệu dân ca, dân vũ và sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Dự kiến có 8 lớp truyền dạy âm nhạc, múa truyền thống và dạy hát dân ca, đồng thời mua sắm dụng cụ âm nhạc truyền thống. Người trực tiếp truyền dạy là nghệ nhân, sau đó tạo lập không gian diễn xướng cho cồng, chiêng, nhạc cụ dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Qua đó góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Với kho tàng văn hóa các dân tộc đa dạng, phong phú hiện có thì việc giữ gìn, phát huy là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc do UBND huyện triển khai thì các đội văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn cũng đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Nhất là hỗ trợ kinh phí để các câu lạc bộ phát triển vững mạnh, thu hút được nhiều người tham gia. Điều đó là tiên đề khơi dậy niềm đam mê, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tác giả bài viết: Phạm Công

Nguồn tin: Báo Bình Phước