Điều tra, đề xuất các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng cho các hộ dân ở vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Sáng ngày 25/6/2015, Hội đồng KH&CN tỉnh đã họp tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài “Điều tra, đề xuất các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng cho các hộ dân ở vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước”. Kết quả, Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước (TP. Hồ Chí Minh) đã trúng tuyển thực hiện đề tài.
Toàn cảnh buổi họp tuyển chọn
 
Hiện nay, phần lớn người dân sống ở vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập, đặc biệt là người đồng bào dân tộc S’tiêng, M’Nông phụ thuộc vào tài nguyên rừng như: măng, rau rừng, động vật hoang dã để sử dụng cho bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, áp lực khai thác và hình thức khai thác không bền vững đã dẫn đến tài nguyên rừng ở đây dần bị cạn kiệt. Một số động vật rừng bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tình trạng săn bắn và bẫy thú; khai thác gỗ trái phép; thu hái quá mức các lâm sản phụ vẫn đang diễn ra đã ảnh hưởng đến ổn định dân cư và an ninh, quốc phòng vùng biên giới. Trước thực trạng đó, Hội đồng KH&CN tỉnh đã xác định việc thực hiện đề tài tài “Điều tra, đề xuất các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng cho các hộ dân ở vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước” là hết sức cần thiết.

Đề tài được thực hiện qua phương thức tuyển chọn. Sau một thời gian thông báo tuyển chọn, có 03 đơn vị đăng ký thực hiện, đó là: (1) Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước; (2) Trung tâm Nghiên cứu dịch vụ Công nghệ và Môi trường; (3) Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Để tiếp thu ý kiến phản biện của các nhà khoa học đối với các báo cáo thuyết minh đề tài, Hội đồng KH&CN tỉnh đã mời PGS. TS. Trương Thanh Cảnh - Trường Đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh; TS. Lê Bá Toàn; PGS.TS Viên Ngọc Nam - Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tham gia. Tại buổi tuyển chọn, Hội đồng đã phân tích, đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của từng hồ sơ; qua đó, hồ sơ của Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước được đánh giá cao hơn do đây là đơn vị có chuyên môn phù hợp nhất và có sự chuẩn bị khá tốt về tư liệu nghiên cứu, đã đề xuất được nội dung nghiên cứu và các sản phẩm dự kiến phù hợp. Tuy nhiên, Thuyết minh đề tài vẫn cần phải chỉnh sửa, bổ sung thêm một số nội dung theo góp ý của các phản biện và kết luận của Chủ tịch Hội đồng.

Theo kết quả bỏ phiếu, Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước đã trúng tuyển thực hiện đề tài với số điểm 88,54/100 điểm. TS. Nguyễn Chí Thành (Giám đốc Trung tâm) làm chủ nhiệm đề tài. Dự kiến đề tài sẽ được thực hiện trong 02 năm (2015 - 2017).

Tác giả bài viết: Trần Nguyên Cốp

Nguồn tin: Sở khoa học công nghệ Bình Phước