00:28 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Cho cuộc sống thêm xanh

Thứ hai - 24/08/2015 13:49
Nằm giáp ranh với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, cuộc sống của những người dân Xêtiêng luôn gắn bó với rừng. Họ hiểu và ý thức được trách nhiệm của việc gìn giữ “lá phổi xanh”. Vì thế, hàng chục năm qua, cộng đồng người bản địa ở xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) đã làm tốt việc nhận khoán, quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tô điểm màu xanh cho cuộc sống.

Một ngày theo tổ bảo vệ đi tuần

Theo Tổ bảo vệ rừng thôn Bù Rên đi tuần tra, chúng tôi nhận được lời cảnh báo: “Đi rừng vất vả, phải nhanh nhẹn, linh hoạt trong xử lý tình huống, tránh bị rắn độc, côn trùng cắn”. Hành trang là một ba lô đựng võng, nước uống, mì gói, cơm nắm và mấy cây gậy tầm vông, một chiếc còng số 8. Đúng 7 giờ 30 phút xuất phát, tốp gồm 4 thành viên bắt đầu hành trình băng rừng lội suối. Len lỏi dưới những khu rừng nguyên sinh, chúng tôi phải vạch tán cây dò đường. Hửng nắng, tiết trời vào xuân thêm ấm áp, cỏ cây, muông thú như rộn rã hơn trong ngày mới. Tia nắng ban mai rọi vào những giọt sương đọng trên nhành cây ngọn cỏ làm cho cảnh vật thêm long lanh đủ sắc màu.


Tổ bảo vệ rừng thôn Bù Lư đi tuần tra, canh giữ rừng

 






Dẫn chúng tôi thăm rừng, ông Điểu Biên, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng nói: Có gắn bó mới thấy hết giá trị của rừng xanh với cuộc sống. Chỉ cần một cây rừng bị đốn hạ hay bị giẫm đạp đều thấy đau xót. Với tình yêu đó, những năm qua, chúng tôi luôn làm tròn trách nhiệm của người bảo vệ rừng. Chưa có kinh nghiệm đi rừng nên tôi được mọi người ưu tiên đi giữa để kịp thời hỗ trợ.

Dù đã 60 tuổi nhưng bước chân của ông Điểu Phư nhanh nhẹn, lách rừng một cách khéo léo. Dáng người cao, mảnh khảnh, hằn rõ những chai sạn của một người có thâm niên đi rừng. Đôi mắt tinh tường, đôi tai thính của ông tập trung cao độ, nhất là khi có tiếng động lạ. Tham gia tổ bảo vệ từ năm 2006 nên kinh nghiệm đi rừng trong ông đã dạn dày. Từng bị sốt rét hành hạ trong rừng sâu nhiều ngày nhưng ông vẫn luôn gắn bó với rừng. Gạt những giọt mồ hôi trên trán, ông Điểu Phư nói: Trước đây, nhiều lần đi làm rẫy, đã từng chứng kiến cảnh phá rừng không thương tiếc nên tôi nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng. Sức khỏe tốt cũng nhờ hít không khí trong lành của rừng mà có.

Quá trưa, anh em nghỉ ăn lót dạ dọc đường. Bữa cơm đạm bạc đem theo nhưng ai cũng ăn ngon lành. Bước chân của những người bảo vệ đã hình thành nên nhiều lối mòn, việc tuần tra đỡ cực hơn. Anh Điểu Son giới thiệu: “Thú rừng ở đây còn nhiều lắm. Nếu muốn nhìn thì ở lại rừng, đảm bảo ngày nào cũng thấy”. Đang mải chuyện, đột nhiên phía bên phải có tiếng động mạnh, mọi người vội vàng chạy tới, anh Điểu Son nhanh nhảu: “Cành cây khô bị gãy, không có gì”. Anh Son đã gắn bó với công việc này gần 10 năm cũng chỉ vì đã trót “yêu rừng”.

Xế chiều, mọi người trở về lán nấu cơm sau một ngày tuần tra cực nhọc. Ai cũng thấm mệt nhưng sum vầy bữa tối ai nấy đều vui. Bữa cơm chỉ đơn giản với một ít cá trắng bắt dưới suối kho me và lá mì luộc. Do nấu ăn ngon nên anh Điểu Tăng được các thành viên trong tổ cho làm “đầu bếp trưởng”. Tuy không phải sơn hào hải vị nhưng đến tay anh đều trở thành món ăn “đậm chất rừng”. Bởi trong đó có vị tươi nguyên của tự nhiên, vị đượm của bếp củi và quan trọng nhất là vị ngọt ngào của tình người mà anh đã gửi gắm trong từng món ăn, thức uống.

Canh cho rừng “yên giấc”

Từ năm 2008, xã Bù Gia Mập có 4 tổ với 73 người nhận khoán, quản lý, bảo vệ hơn 7.000 ha rừng và 100% thành viên là đồng bào Xêtiêng. Ông Phạm Thành, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: Công việc nhận khoán, quản lý, bảo vệ rừng của các tổ được Ban giám đốc Vườn quốc gia đánh giá cao. Nhờ vậy, tình trạng xâm hại rừng giảm đáng kể, hiện chỉ còn những trường hợp vào rừng hái nấm, lá nhíp về ăn...

Nằm ở địa bàn giáp ranh với Vườn quốc gia Bù Gia Mập nên cộng đồng người Xêtiêng cư trú ở thôn Bù Nga đã bao đời nay gắn bó với đại ngàn. Ông Điểu Mur, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn nói: Thấy được trách nhiệm của mình nên anh em làm đơn gửi Ban giám đốc vườn quốc gia xin tham gia bảo vệ rừng. Là người trong xã, thông thuộc địa bàn, có kinh nghiệm đi rừng nên Ban giám đốc vườn quốc gia chấp nhận. Từ đó, chúng tôi đã gắn bó với công việc này và vận động đồng bào thay đổi suy nghĩ về giá trị của rừng. Đồng bào thấy tận mắt và ưng cái bụng họ sẽ nghe, làm theo.

Đoạn đường bê tông từ vườn quốc gia vào nơi làm việc của Tổ bảo vệ rừng thôn Bù Lư chạy êm ru. Tổ có 15 người, nhận khoán  bảo vệ 2.000 ha rừng tại 5 tiểu khu 10, 11, 12, 16 và 17. Anh Điểu Phú là người khá tinh tường và có kinh nghiệm đi rừng cho hay: Địa bàn giáp ranh tỉnh Đắk Nông nên khá phức tạp. Đi tuần phải có ít nhất 5 người. Nếu tình hình phức tạp thì nhóm phải đùm theo lương thực đi khoảng 2-3 ngày. Do đường cách trở nên việc ăn uống cũng thiếu thốn, anh em thường mang theo gạo, rau củ, cá khô, đồng thời bắt thêm cá suối, kiếm rau rừng làm thức ăn. Với công việc này, anh em được hỗ trợ trung bình 1-1,2 triệu đồng/người/tháng sau khi đã trừ tiền ăn. Điểu Phú nói: Ở bất kỳ tình huống nào, mình luôn xác định vì mục tiêu chung bảo vệ rừng và đảm bảo lợi ích cho thành viên trong tổ. Vì thế, công việc luôn “chạy” đều.

Đầu bếp trưởng Điểu Tăng phục vụ cơm nước tận tình cho anh em








Từng là công an viên của xã Bù Gia Mập, anh Điểu Xuân chuyển sang gắn bó với việc bảo vệ rừng được 4 năm. Với anh, “Rừng là nhà; cây cối, muông thú là bạn” nên thời gian anh ở trong rừng nhiều hơn ở nhà. Điểu Xuân chia sẻ: “Tuy công việc khó khăn nhưng đi nhiều, làm nhiều nên trở ngại ấy lại bình thường. Quan trọng nhất là phải có cái đầu nghĩ tốt và đôi tay làm thật, lúc đó cái bụng mới ưng”.

Các thành viên trong tổ đều là người Xêtiêng nên họ dễ tuyên truyền, vận động đồng bào cùng góp sức bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất, gốc cây của rừng. Bên cạnh đó, chính quyền xã phối hợp tổ bảo vệ tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng vào mùa khô; không khai thác lâm sản, săn bắn thú rừng... UBND xã Bù Gia Mập mong được tăng diện tích giao khoán rừng để giúp đỡ hộ khó khăn, thiếu đất sản xuất có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời gắn trách nhiệm bảo vệ rừng với từng cá nhân.

Sải bước giữa bạt ngàn vạn vật xanh tươi, hương vị cây rừng phả vào mặt người cộng hưởng cùng âm thanh của gió rừng làm cho lòng người chộn rộn, bật dậy sức xuân.              

 

 

Tác giả bài viết: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Phóng sự

Thông báo giao ban

Truy cập nhiều

Thăm dò ý kiến

Bạn biết website từ nguồn nào?

Người khác giới thiệu.

Báo đài

Tìm kiếm

Khác

Cảnh báo cháy rừng

....