11:03 EDT Thứ ba, 23/04/2024

Cách bảo vệ rừng độc đáo ở Vườn quốc gia Cát Tiên

Thứ tư - 08/07/2015 22:47
BP - Tháng 1-1992, khu rừng cấm Nam bãi Cát Tiên được chuyển đổi thành Vườn quốc gia Cát Tiên theo Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 38.100 ha, nằm trong địa phận hành chính của huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Tháng 12-1998, Chính phủ đồng ý mở rộng diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên lên 73.878 ha, nằm trên địa phận 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, đồng thời chuyển giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý. Riêng tỉnh Bình Phước có gần 5.000 ha rừng nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên.

DỰA VÀO DÂN ĐỂ GIỮ RỪNG

Từ trung tâm xã Đăng Hà (Bù Đăng) theo hướng Tây Nam vượt thêm 7km đường đất ruộng mới đến được thôn 1 của xã. Nói là thôn 1, xã Đăng Hà nhưng 2/3 diện tích đất canh tác của người dân nơi đây lại nằm trên địa phận hành chính của xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Thôn có 277 hộ, gồm 1.162 người. Đi từ đầu thôn đến cuối thôn trong những ngày này gần như nhà nào cũng có măng rừng phơi trước sân.

Trưởng thôn Triệu Văn Tích cho biết: Tất cả 277 hộ dân đều thay phiên nhau canh giữ 1.010 ha rừng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp giáp với thôn. Công bảo vệ mỗi ha rừng tại đây được Vườn quốc gia Cát Tiên chi trả 270 ngàn đồng/năm. Toàn bộ số tiền này được người dân trong thôn đồng tình đầu tư làm đường, kéo điện và xây dựng điểm trường Lý Tự Trọng để tạo điều kiện cho con em đến trường.

Người dân thuộc thôn 1 được vào Vườn quốc gia Cát Tiên lấy măng. Trưởng thôn Triệu Văn Tích cho biết thêm: “Không có nguồn măng từ rừng, người dân thôn 1 sẽ không biết dựa vào đâu để có tiền mua sách vở, quần áo cho con em vào đầu mỗi năm học”.

QUÊN THÀNH TÍCH ĐỂ BẢO VỆ RỪNG

Phó giám đốc Nguyễn Văn Thanh cho biết: Vườn quốc gia Cát Tiên hiện có 206 cán bộ, nhân viên, trong đó 136 cán bộ kiểm lâm. Bình quân mỗi cán bộ kiểm lâm bảo vệ gần 550 ha rừng. Nếu mỗi cán bộ kiểm lâm bảo vệ ngần ấy diện tích rừng là điều không tưởng. Vì thế chúng tôi vừa phải dựa vào dân vừa giữ nghiêm kỷ luật mới bảo vệ được rừng. Từ thành viên ban giám đốc đến cán bộ, nhân viên kiểm lâm địa bàn nếu vi phạm lâm luật đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Có năm chúng tôi phải có văn bản đề nghị công an xã, huyện hỗ trợ điều tra chính nhân viên của mình khi có dấu hiệu móc nối với lâm tặc. Bình quân mỗi năm chúng tôi xử lý kỷ luật ở nhiều mức độ khác nhau từ 4 đến 6 người. Theo quy chế thi đua, chỉ cần một trường hợp bị khiển trách hay cảnh cáo thì chi bộ không được công nhận trong sạch, vững mạnh. Nếu vì thành tích mà để mất rừng, chúng tôi chấp nhận mất thành tích, bằng khen, giấy khen để duy trì kỷ luật bảo vệ rừng cho chính đồng chí của mình
 

DÙNG DU LỊCH ĐỂ GIỮ RỪNG

“Suy nghĩ đi du lịch ở Vườn quốc gia Cát Tiên để được thưởng thức những món ăn đặc sản từ thú rừng là sai lầm lớn” - Phó giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Vườn quốc gia Cát Tiên Nguyễn Đình Quốc Việt khẳng định. Ông Việt cho biết thêm: “Chúng tôi làm du lịch không phải bằng mọi giá. Mô hình du lịch ở đây không đưa lợi nhuận lên hàng đầu mà dùng du lịch như một cách để tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng”.
Cũng chính từ quan điểm này mà giá vé du lịch ở Vườn quốc gia Cát Tiên không hề mềm. Tất cả các phòng khách được thiết kế thành những ngôi nhà riêng biệt. Mỗi ngôi nhà gắn với tên một cây hay một loài thú quý hiếm, như nhà gấu, nhà gõ đỏ, nhà cẩm lai, nhà tê giác... Tùy theo tên và trang trí nội thất của từng dãy nhà mà giá phòng cao, thấp khác nhau. Giá phòng ở đây không dưới 350 ngàn đồng/ngày. Du khách khi đặt chân tham quan trong Vườn quốc gia Cát Tiên chỉ chọn 1 trong 2 giải pháp: Đi bộ hoặc đi xe đạp. Giá thuê xe đạp lên đến 1 triệu đồng cho một tua tham quan 24 giờ. Nhờ cách tiếp cận rừng “không tiếng động” như thế mà du khách có thể bất ngờ bắt gặp các loài động vật quý hiếm trong hành trình du lịch.
Điều khá đặc biệt ở trung tâm du lịch của Vườn quốc gia Cát Tiên là tất cả thực đơn trong các dãy nhà hàng không có món thịt rừng. Du khách mang thịt rừng từ ngoài vào cũng không được. Nếu nhân viên nhà hàng để du khách sử dụng thịt thú rừng coi như tự mình sa thải công việc của mình.

Tác giả bài viết: Đông Kiểm - Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Phóng sự

Thông báo giao ban

Truy cập nhiều

Thăm dò ý kiến

Bạn biết website từ nguồn nào?

Người khác giới thiệu.

Báo đài

Tìm kiếm

Khác

Cảnh báo cháy rừng

....